LS Vy Huyền

Trong thời gian thử việc có được hưởng chế độ thai sản không

Luật sư tư vấn về hợp đồng thử việc và chế độ thai sản trong thời gian thử việc như sau: Em đang làm hợp đồng tại một cơ quan X với bằng cao đẳng từ 1/10/2013 đến nay, em có đóng bảo hiểm theo quy định của cơ quan từ tháng 10/2013 và giờ em đang có thai được hơn 3 tháng. Giờ em có bằng đại học và muốn nộp bằng đại học để hưởng lương đại học.

 

Nhưng phòng tổ chức nói giờ em muốn ăn lương đại học thì sẽ làm hợp đồng lại thử việc 12 tháng rồi mới kí hợp đồng chính thức trong khi 6 tháng nữa em phải nghỉ sinh em bé. Vậy cho em hỏi nếu là hợp đồng thử việc 12 tháng thì em có được nghỉ chế độ thai sản hay không? Và tiền trợ cấp thai sản cũng như tiền lương hàng tháng của em sẽ được tính như thế nào?

 

Trả lời: Công ty Luật Minh Gia tư vấn cho bạn như sau:

 

Căn cứ thông tin bạn đã cung cấp, bạn làm việc tại Bộ văn hóa với hợp đồng lao động. Do đó, hợp đồng lao động của bạn sẽ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Quyết định 595/QĐ-BHXH:

 

“Điều 4. Đối tượng tham gia theo quy định tại Điều 2 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

 

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:

 

1.1. Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

 

1.2. Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (thực hiện từ ngày 01/01/2018);”

 

Trường hợp trong quá trình làm việc, bạn muốn nộp bằng đại học để hưởng mức lương cao hơn thì bạn có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động. Nếu người sử dụng lao động chấp nhận bằng cấp của bạn thì bạn có thể được tăng lương theo bằng cấp. Tuy nhiên, trường hợp người sử dụng lao động yêu cầu sau khi bạn nộp bằng đại học phải tiến hành thử việc 2 tháng là trái quy định của pháp luật. Bởi lẽ, về bản chất thử việc là làm thử một công việc trong thời gian pháp luật quy định để sau đó xem xét giao kết hợp đồng lao động. Mà công việc này bạn đã được tuyển dụng và thực hiện trong một thời gian tương đối dài. Do đó, sẽ không đặt ra vấn đề thử việc ở đây.

 

Trường hợp bạn vẫn tiếp tục quan hệ lao động tại đơn vị, và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh thì bạn vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

 

“Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản

 

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

...

b) Lao động nữ sinh con;

...

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

 

3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

 

4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.”

 

Khi bạn nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, bạn sẽ không được trả lương theo hợp đồng lao động nữa, bởi lẽ thời gian đó bạn không làm việc trên thực tế nên không có căn cứ để trả lương cho bạn. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản bạn được hưởng tiền do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả mới mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

 

“Điều 39. Mức hưởng chế độ thai sản

 

1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:

 

a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Trong thời gian thử việc có được hưởng chế độ thai sản không. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ: 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

Luật gia: Trần Hoàng Việt – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo