Nguyễn Ngọc Ánh

Hết hạn hợp đồng trong thời gian nghỉ thai sản có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Nội dung yêu cầu Xin luật sư tư vấn giúp tôi! Tôi là giáo viên mầm non tại trường mầm non tư thục. Tôi đã đóng BHXH và BHTN tại trường 2 năm sáu tháng. Tôi ký Hợp đồng lao động 2 năm, hợp đồng sẽ hết hạn vào ngày 31.5.2015. Nhà trường không ký tiếp Hợp đồng lao động với tôi nữa trong khi con tôi còn chưa đủ 12 tháng (Cháu sinh ngày 2.6.2014). Vậy tôi có được hưởng trợ cấp thôi việc không?

Tôi có nhắc tới khoản này thì nhà trường nói là cơ quan nhà nước mới có và HĐLĐ đã hết hạn, nhà trường có quyền không ký tiếp và không phải trả trợ cấp cho dù con tôi mới 3 tháng, nói như vậy có đúng không? quy định thế nào? Xin luật sư hãy giúp tôi, tôi xin trân thành cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới công ty Luật Minh Gia! Chúng tôi xin tư vấn yêu cầu của chị như sau:

Theo như chị trình bày, chị đã đóng bào hiểm xã hội và bào hiểm thất nghiệp tại trường 30 tháng (2 năm 6 tháng) và có thêm thông tin là ngày 2.6.2014 chị sinh cháu. Bởi thông tin chị đưa ra chưa đầy đủ, nên chúng tôi sẽ phán đoán sự kiện pháp lí tính tới thời điểm 31.5.2015 để tính trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc cho chị như sau:

Thời gian làm việc thực tế của chị tại trường mầm non là 30 tháng (chưa tính thời gian thử việc nếu có).

Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 14 quy định về trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm như sau:

a.Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo các Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật Lao động; thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc và thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội”.

Thời gian chị nghỉ chế độ thai sản là 6 tháng (xuất phát từ sự kiện chị sinh cháu vào ngày 2.6.2014).

Căn cứ theo quy định tại điều 157 BLLĐ 2012 quy định về nghỉ thai sản như sau:

Điều 157. Nghỉ thai sản

1. Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng.

Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng”.

Như vậy, sau khi hết hạn hợp đồng vào ngày 31.5.2015 thì chị có quyền được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo điều 82 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 và trợ cấp thôi việc theo quy định tại điều 48 BLLĐ 2012.

Theo quy định tại điều 82 Luật bảo hiểm 2006:

“ Điều 82. Trợ cấp thất nghiệp

1. Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của sáu tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như sau:

a) Ba tháng, nếu có từ đủ mười hai tháng đến dưới ba mươi sáu tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp;

b) Sáu tháng, nếu có từ đủ ba mươi sáu tháng đến dưới bảy mươi hai tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp;

c) Chín tháng, nếu có từ đủ bảy mươi hai tháng đến dưới một trăm bốn mươi bốn tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp;

d) Mười hai tháng, nếu có từ đủ một trăm bốn mươi bốn tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trở lên”.

Đối với trường hợp của chị, thời gian để được hưởng trợ cấp thất nghiệp là ba tháng, mỗi tháng bằng 60% mức bình quân tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của sáu tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Tuy nhiên, chị phải đáp ứng điều kiện về mặt thủ tục để được hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

Điều 81. Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ mười hai tháng trở lên trong thời gian hai mươi bốn tháng trước khi thất nghiệp;

2. Đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội;

3. Chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều này”.

Theo quy định  tại điều 48 BLLĐ 2012:

Điều 48. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc”.

Do chị có chế độ nghỉ thai sản cộng với thời gian thử việc (nếu có) thì thời gian làm việc thực tế sẽ lớn hơn thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp ít nhất là 6 tháng, vì vậy, chị sẽ được hưởng thêm khoản tiền trợ cấp thôi việc và với mức là 1 nửa tháng tiền công theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 48 BLLĐ nêu trên.

Điểm c khoản 3 điều 14 Nghị định 05/2015/ NĐ – CP quy định về cách tính thời gian thực tế để tính trợ cấp thôi việc:

“c) Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc”.

Ngoài ra, về thời gian đóng BHXH thì hiện nay chị cân nhắc giữa việc tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội bằng hình thức tự nguyện khi chưa có việc làm hoặc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại điều 55, điều 56 và chương IV Luật bảo hiểm xã hội năm 2006.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo