Cà Thị Phương

Trình tự, thủ tục khiếu nại khi công ty không trả sổ bảo hiểm xã hội?

Luật sư tư vấn về trường hợp đã nghỉ việc tại công ty, đã hơn tháng mà công ty không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, trình tự, thủ tục khiếu nại khi công ty không trả sổ theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:

 

Nội dung tư vấn: Kính gửi quý công ty Luật Minh Gia! Em xin nhờ sự tư vấn từ công ty về 2 việc như sau ạ:

1/ Em có làm việc cho 1 công ty thời hạn ký lại hợp đồng 2 năm (tức 15/9/16-15/9/18). Nhưng đến ngày 24/07/17 công ty bất ngờ thông báo giải thể công ty và báo nhân viên làm hết 11/08/17. Giám đốc công ty ép nhân viên bọn em tự nguyện viết đơn xin nghỉ (loại trừ lý do "công ty giải thể"). Lúc đó cùng vì tình nên em cũng viết đơn theo ý của công ty. Công ty cũng ra quyết định nghỉ việc cho em rùi. Nay em nghỉ hơn tháng rồi mà vẫn không nhận được sổ bảo hiểm.

Em muốn hỏi em có thể kiện công ty về việc ép nhân viên nghỉ việc hay về việc công ty không trả sổ bảo hiểm được không ạ? Nếu kiện em cần khiếu nại lên cơ quan nào? Và cần những thủ tục gì ạ?

2/ Trong thời gian công ty vẫn hoạt động em có ký phiếu chi lấy tiền mặt ra để trả khách hàng. Khi ký em nói với kế toán là chuyển khoản cho khách hàng sau em không đi chuyển khoản được nên đã chuyển phát nhanh kèm với hoá đơn. Hiện tại bên khách hàng nhận được báo lại chỉ có hoá đơn không có tiền và khăng khăng là không có tiền. Bây giờ công ty cũ (công ty em vừa nghỉ được 1 tháng đó ạ) dọa là kiện em về tội "chiếm đoạt tài sản".

Công ty tư vấn giúp em về việc này ạ. Em có chuyển trong quá trình do không chuyển thư đảm bảo mất tiền hoặc có thể do họ đã nhận được giờ họ cãi. Như vậy, em có bị kết tội "chiếm đoạt tài sản" không ạ?

Trân trọng cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề công ty hiện nay vẫn chưa trả sổ bảo hiểm cho bạn thì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật Lao động năm 2012 về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

 

Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

 

1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

 

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

 

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

 

4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.

 

Như vậy thì khi chấm dứt hợp đồng lao động với bạn thì bên công ty có trách nhiệm trả sổ bảo hiểm xã hội cho bạn trong thời hạn 7 ngày, trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Công ty đã vi phạm quy định tại Điều 47 Bộ luật Lao động. Trước hết, bạn có thể làm đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp đến Giám đốc Công ty. Trong trường hợp bạn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của công ty hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý (hoặc 45 ngày đối với vị việc phức tạp) mà bên công ty không giải quyết cho bạn thì lúc này bạn có thể làm đơn khởi kiện đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi công ty đặt trụ sở. Bạn cần chú ý đến thời hiệu khiếu nại như sau (Điều 7 Nghị định 119/2014/NĐ-CP):

 

Điều 7. Thời hiệu khiếu nại

 

1. Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 180 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của người sử dụng lao động, của tổ chức, cá nhân dạy nghề, của tổ chức, cá nhân đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị khiếu nại.

 

2. Thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại Điều 19 Nghị định này hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định đó.

 

3. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

 

Thứ hai, về vấn đề công ty muốn kiện bạn về tội chiếm đoạt tài sản. Trước hết cần xem xét số tiền mà bạn phải chuyển để trả khách hàng là bao nhiêu. Vì theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139) thì giá trị tài sản chiếm đoạt phải từ 2.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

 

Bên cạnh đó, bạn cần các giấy tờ chứng minh rằng mình đã chuyển số tiền đó đi. Ngoài ra thì cơ quan công an sẽ điều tra, xem xét, tìm chứng cứ liên quan đến việc này, cần phải làm rõ rằng bạn có chuyển tiền hay chưa, bên nhận tiền đã nhận được tiền chưa, việc chưa nhận được tiền là do lỗi của bên chuyển phát hay đã nhận và giờ nói rằng chưa nhận được? Hay là bạn không chuyển tiền và đã chiếm đoạt số tiền đó. Khi đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì lúc này bên cơ quan công an mới gửi hồ sơ lên viện kiểm sát để khởi tố bạn phạm tội chiếm đoạt tài sản được.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Hoa - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo