Luật sư Phùng Gái

Trách nhiệm đền bù chi phí đào tạo của viên chức khi đơn phương nghỉ việc?

Câu hỏi tư vấn: Tháng 1/6/2005 tôi công tác tại một cơ quan nhà nước với hợp đồng được tuyển dụng theo ngạch công chức. Đến 1/10/2007, tôi chuyển sang giảng dạy tại trường THPT, chuyển sang ngạch viên chức A1. Năm 2010 tôi đi học sau đại học, hoàn thành khóa học 2012, 1/1/2013 hoàn toàn công tác tại trường.

 

Đến nay do hoàn cảnh gia đình tôi nộp đơn xin nghỉ việc. Vậy cho tôi hỏi, trường hợp của tôi phải bồi thường chi phí đào tạo như thế nào? Tôi được hưởng những chế độ gì sau khi thôi việc. Hiện lương của tôi là 3.0, phụ cấp nghề 70%, thâm niên 7%, đặc thù 0.3. Còn chi phí tôi nhận trong quá trình đào tạo là khoảng 62 triệu đồng. Xin luật sư hãy tư vấn giúp tôi, chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định của Luật viên chức năm 2010 về trách nhiệm bồi hoàn chi phí đào tạo của viên chức khi nghỉ việc.

 

Điều 35. Trách nhiệm và quyền lợi của viên chức trong đào tạo, bồi dưỡng

.....

3. Viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập cử đi đào tạo nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ.

 

 Và Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

 

Điều 36. Đào tạo và đền bù chi phí đào tạo

....

4. Viên chức được cử đi đào tạo ở trong nước và ngoài nước phải đền bù chi phí đào tạo trong các trường hợp sau:

 

a) Trong thời gian được cử đi đào tạo, viên chức tự ý bỏ học hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc;

 

b) Viên chức hoàn thành khóa học nhưng không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp, chứng nhận kết quả học tập;

 

c) Viên chức đã hoàn thành và được cấp bằng tốt nghiệp khóa học từ trình độ trung cấp trở lên nhưng chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.

 

5. Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể về cách tính chi phí đền bù và quy trình, thủ tục đền bù chi phí đào tạo quy định tại Điều này.

 

Như vậy, trong trường hợp của bạn khi đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì sẽ phải có nghĩa hoàn trả toàn bộ chi phí đào tạo mà đơn vị đã bỏ ra cho bạn bao gồm 62 triệu đồng. Ngoài ra, nếu giữa đơn vị và bạn có lập văn bản cam kết khác về thời gian công tác sau khi học xong mà bạn chưa hoàn thành đủ thời gian đó thì sẽ bồi thường một khoản tương ứng với thời gian chưa công tác đủ. Theo đó, cách tính đền bù được áp dụng tại thông tư 15/2012/TT-BNV hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.

 

Điều 17. Chi phí và cách tính đền bù chi phí đào tạo

 

1. Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp nếu có.

 

2. Cách tính chi phí đền bù:

 

a) Đối với trường hợp quy định tại Điểm a khoản 4 Điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, viên chức phải đền bù 100% chi phí đào tạo;

 

b) Đối với trường hợp quy định tại Điểm b khoản 4 Điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ-CP,, viên chức phải đền bù 50% chi phí của khóa học;

 

c) Đối với các trường hợp quy định tại Điểm c khoản 4 Điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, chi phí đền bù được tính theo công thức sau:

S = (F / T1) x (T1 - T2)

Trong đó:

- S là chi phí đền bù;

- F là tổng chi phí của khóa học;

- T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn;

- T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm trò

 

-Giải quyết chế độ khi đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc: 

 

Điều 29. Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc

...

4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.

 

Điều 45. Chế độ thôi việc

1. Khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

 

2. Viên chức không được hưởng trợ cấp thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

 

a) Bị buộc thôi việc;

 

b) Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc mà vi phạm quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 29 của Luật này;

 

c) Chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 5 Điều 28 của Luật này.

 

 

Như vậy, trong trường hợp của bạn chấm dứt hợp đồng làm việc đúng quy định pháp luật theo khoản 4 Điều 29 Luật này thì sẽ được hưởng đầy đủ trợ cấp thôi việc và các chế độ từ bảo hiểm (bảo hiểm xã hội một lần; bảo hiểm thất nghiệp). 

 

+Trợ cấp thôi việc: Theo Điều 39 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP.

 

Điều 39. Trợ cấp thôi việc

 

1. Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31 tháng 12 năm 2008 trở về trước được tính như sau:

 

a) Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);

 

b) Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 (một) tháng lương hiện hưởng;

 

c) Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.

 

d) Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2003 trở về sau, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.

 

2. Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 đến nay được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp.

 

+Bảo hiểm xã hội một lần: Do bạn không cung cấp đầy đủ về quá trình làm việc của bạn nên không thể tính chính xác số tiền mà bạn được nhận. Tuy nhiên, mức hưởng của bạn sẽ được xác định theo Khoản 2 Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội 2014:

 

Điều 60. Bảo hiểm xã hội một lần

 

2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

 

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

 

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

 

+Trợ cấp thất nghiệp: Theo quy định tại Luật việc làm 2013 về thời gian và mức hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cụ thể:

 

Điều 50. Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp

 

1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

 

2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

 

3. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Trách nhiệm đền bù chi phí đào tạo của viên chức khi đơn phương nghỉ việc?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV P.Gái-công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo