Nguyễn Thu Trang

Trách nhiệm của NSDLĐ đối với người lao động bị thương tật 81% là gì?

Trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, xử lý các quyền lợi của người lao động bị tai nạn lao động là vấn đề có thể nói vừa rộng, vừa phức tạp, có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến từng cá nhân, từng gia đình và từng doanh nghiệp...

1. Luật sư tư vấn về vấn đề tai nạn lao động

Nguyên nhân chủ yếu xảy ra tai nạn lao động theo đánh giá chung là do phía người sử dụng lao động do thiết bị không đảm bảo an toàn; không huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động; không có quy trình, biện pháp an toàn lao động; không có thiết bị an toàn; không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Về phía người lao động là do vi phạm quy trình, biện pháp an toàn lao động; không sử dụng các trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân.

Những ngành nghề, lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn lao động nghiêm trọng là xây dựng, gia công kim loại cơ khí, lắp ráp vận hành máy và thiết bị sản xuất, các lĩnh vực liên quan đến điện giật, va đập, ngã cao do vật rơi và đổ, sập. Về yếu tố gây ra tai nạn lao động chủ yếu là sử dụng điện, ngã cao trong xây dựng, do đỗ, sập.

Nếu bạn đang gặp thắc mắc về vấn đề tai nạn lao động mà chưa tìm được câu trả lời, chưa tìm được những căn cứ pháp luật và không biết được các quyền lợi người bị tai nạn lao động được hưởng là gì, mức hưởng bao nhiêu... bạn hãy liên hệ tổng đài của Luật Minh Gia 1900.6169 để chúng tôi trích dẫn các quy định của pháp luật và hướng dẫn cho bạn.

2. Tư vấn về chế độ của người lao động khi bị tai nạn lao động

Câu hỏi tư vấn: Kính gửi Công ty Luật Minh GiaTôi kính mong tư vấn giúp vấn đề của tôi như sau: Tôi bị tai nạn lao động tại Công ty khi đang làm việc bị ngã từ trên cao xuống gây chấn thương tổn thương đầu và nứt 1 đốt sống lưng. Kết quả giám định tạm thời của tôi là tổn thương mất sức lao động 76% sẽ tiến hành giám định lại sau 2 năm, mọi chế độ từ khi xảy ra tai nạn công ty tôi đều lo lắng giải quyết ổn thỏa tới khi tôi đi làm lại được. Với mức độ thương tật 76% tôi đang hưởng chế độ trợ cấp 2,07 triệu/thángSang năm 2019 tôi sẽ phải đi giám định lại khả năng giám định lại có thể bị tăng mức độ thương tật lên >81%, theo luật lao động tôi sẽ phải nghỉ làm khi mức độ thương tật >81% nên tôi muốn hỏi về chế độ cho người lao động bị tai nạn lao động có mức độ thương tật >81% như trường hợp của tôi theo luật sẽ được hưởng chế độ như thế nào? (Tôi đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội 11 năm). Trường hợp mức độ thương tật >81% tôi có thể được tiếp tục đi làm được không?Rất mong nhận được sự tư vấn của Công ty.Trân trọng,

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi  tư vấn như sau:

Trường hợp tai nạn lao động khi đang làm việc tại công ty thì bạn được hưởng những chế độ sau:

Thứ nhất, bạn được người sử dụng lao động trả đủ lương theo hợp đồng lao động đã giao kết và không được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong thời gian bạn đang điều trị và được công ty cùng với cơ quan bảo hiểm thanh toán các chi phí điều trị.

Điều 144 Bộ luật lao động năm 2012 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:

“1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế. 

2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.”

Theo quy định này, công ty bạn sẽ cùng với tổ chức bảo hiểm chi trả những khoản chi phí trong danh mục do bảo hiểm ý tế chi trả. Và chi trả những khoản chi phí trong quá trình điều trị của bạn không nằm trong danh mục bảo hiểm chi trả.
Ngoài ra, trong thời gian bạn nghỉ việc để điều trị chấn thương người sử dụng lao động có trách nhiệm trả đủ lương theo hợp đồng lao động đã giao kết và không được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong thời gian bạn đang điều trị.

Điều 39. Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 của Bộ luật này.

Do đó, công ty không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với bạn. Bạn vẫn có thể đi làm khi có kết quả giám định mức độ thương tật >81%.

Thứ hai, về trợ cấp hàng tháng.

Do bạn đã tham gia bảo hiểm 11 năm nên bạn được hưởng quyền lợi theo điều 145 Bộ luật lao động năm 2012: “Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội”.

Điều 47. Trợ cấp hằng tháng

1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.

2. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:

a) Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;

b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Theo quy định trên, cần phải xác định chính xác tỷ lệ (%) suy giảm khả năng lao động để xác định chính xác mức tiền trợ cấp hàng tháng cơ quan bảo hiểm xã hội phải chi trả cho trường hợp của bạn. Nếu bạn giám định lại lần 2 mà kết quả mức độ thương tật >81% thì mức trợ cấp hằng tháng anh được hưởng ít nhất là:

  • 30% + (81-31)*2% = 130% mức lương cơ sở = 130%*1.390.000 = 1.807.000 đồng
  • 0.5% + (11-1)*0.3% = 3.5% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Thứ ba, về mức bồi thường

Điều 145 Bộ luật lao động 2012 quy định về quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

3. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.

4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.

*Nếu tai nạn không do lỗi của bạn thì:

- Lần 1: 76% được bồi thường ít nhất: 1.5 + (76-10)*0.4 = 27.9 tháng tiền lương

- Lần 2: > 81% được bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương

Trường hợp công ty chưa bồi thường thì khi bạn có kết quả giám định >81% thương tật, công ty phải bồi thường bạn ít nhất 30 tháng tiền lương

Trường hợp công ty đã bồi thường khi bạn có kết quả giám định 76% thương tật thì khi bạn có kết quả giám định >81% thương tật, công ty phải bồi thường thêm cho bạn tương đương mức độ chênh lệch là 30 - 27.9 = 2.1 tháng tiền lương

*Nếu tai nạn xảy ra do lỗi của bạn thì bạn vẫn được hưởng trợ cấp 1 khoản tiền ít nhất bằng 40% mức của trường hợp trên, tức là ít nhất 12 hoặc 0.84 tháng tiền lương

Bên cạnh đó, nếu như bạn bị suy giảm 81% trở lên thì công ty cần đánh giá công việc bạn làm và tình hình sức khỏe của bạn để xem xét bạn có đủ điều kiện được tiếp tục làm việc theo vị trí việc làm đó không.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo