Luật sư Trần Khánh Thương

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người làm công

Câu hỏi đề nghị tư vấn: kính gửi tổng đài tư vấn pháp luật. Hiện nay tôi đang công tác cho một doanh nghiệp logistics. Tôi có một thắc mắc như sau xin được tổng đài tư vấn. khi người lao động điều khiển một xe đầu kéo container trị trá 1,7 tỷ đồng trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên đường cho công ty do sơ xuất để gây ra tai nạn gây thiệt hại về tài sản cho người thứ 3 là 200triệu đồng và thiệt hại về phương tiện đầu kéo container là 500triệu đồng tổng là 700 triệu đồng.

 

trong đó bảo hiểm bồi thường chỉ được mức 100 triệu đồng theo quy định của công ty là mức thiệt hại sau khi được bảo hiểm bồi thường sẽ là 30% cty chịu và 70% tài xế lái xe chịu vậy trong trường hợp này tài xế phải chịu mức bồi thường là 600x70%=420 triệu đồng. Và cty chịu 180 triệu đông. Cho tôi hỏi vậy việc người lao động chịu mức phạt như vậy là có đúng quy định không vì đó là con số nhỏ vậy trường hợp con số lơn hơn thì người lao động sao thanh toán được hết./

 

Trả lời tư vấn:

Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 622 Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra "Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật".

Như vậy, người lái xe là người làm công của đơn vị bạn, khi người lái xe gây thiệt hại, đơn vị bạn có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại xảy ra, sau đó yêu cầu người làm công hoàn lại một phần hoặc toàn bộ theo lỗi của người làm công. Pháp luật không có quy định giới hạn mức tối đa, người lao động, người làm công phải bồi thường là bao nhiêu. Vấn đề này hoàn toàn do hai bên thỏa thuận. Đơn vị bạn đã có thỏa thuận trước với người lao động thể hiện trong quy định của công ty về trách nhiệm bồi thường khi gây thiệt hại. Thỏa thuận này không trái quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, khoản 2 mục 1 nghị định 03/2006/HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có quy định:

2.1. Khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cần phải thực hiện đúng nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 605 BLDS. Cần phải tôn trọng thoả thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường, nếu thoả thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội.

2.2. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần chú ý:

a) Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ, có nghĩa là khi có yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại do tài sản, sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm phải căn cứ vào các điều luật tương ứng của BLDS quy định trong trường hợp cụ thể đó thiệt hại bao gồm những khoản nào và thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu, mức độ lỗi của các bên để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản thiệt hại tương xứng đó.

b) Để thiệt hại có thể được bồi thường kịp thời, Toà án phải giải quyết nhanh chóng yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trong thời hạn luật định. Trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự.

c) Người gây thiệt hại chỉ có thể được giảm mức bồi thường khi có đủ hai điều kiện sau đây:

 - Do lỗi vô ý mà gây thiệt hại;

 - Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại, có nghĩa là thiệt hại xảy ra mà họ có trách nhiệm bồi thường so với hoàn cảnh kinh tế trước mắt của họ cũng như về lâu dài họ không thể có khả năng bồi thường được toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đó.

d) Mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với thực tế, có nghĩa là do có sự thay đổi về tình hình kinh tế, xã hội, sự biến động về giá cả mà mức bồi thường đang được thực hiện không còn phù hợp trong điều kiện đó hoặc do có sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động của người bị thiệt hại cho nên mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với sự thay đổi đó hoặc do có sự thay đổi về khả năng kinh tế của người gây thiệt hại...

Khi thiệt hại xảy ra do lỗi vô ý và thiệt hại là quá lớn so với khả năng của người lao động, người lao động có thể yêu cầu giảm mức bồi thường thiệt hại

Bạn tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình!

 

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác Anh/chị vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp: ( Tổng đài luật sư trực tuyến 1900.6169 )


Trân trọng

P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo