Luật sư Đào Quang Vinh

Trả tiền nghỉ việc trong Công ty mẹ, công ty con

Kính chào Luật sư ! Công ty tôi là doanh nghiệp cổ phần. Nhờ Luật sư tư vấn giúp 01 trường hợp ở đơn vị chúng tôi: Tháng 01/2012 đơn vị chúng tôi có quyết định điều động 01 người lao động ra làm Giám đốc ở một Công ty khác do Công ty chúng tôi góp vốn thành lập (theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con)

và quyết định điều động không có ghi thời hạn. Đến tháng 4/2016 Công ty chúng tôi nhận được đơn đề nghị thanh toán tiền cho những năm làm việc trước của quyết định điều động ( người này vào làm việc vào năm 2002) của người lao động. Vậy trường hợp này giải quyết ra sao: 1. Quyết định điều động có hợp lệ không ( vì luật qui định chấm dứt HĐLĐ ở Công ty nào thì trả chế độ ở Công ty ấy) 2. HĐLĐ giữa Công ty mẹ và người lao động có hiệu lực không ( vì kể từ 2012 người lao động đóng và hưởng ở Công ty con Và cụ thể phải giải quyết như thế nào . Mong luật sư tư vấn. Cảm ơn.

 

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Pháp luật hiện nay không có quy định về điều động người lao động mà chỉ có quy định về chuyển người lao động sang làm công việc khác theo Điều 31 Bộ luật lao động năm 2012:

 

“1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.

 

2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.

 

3. Người lao động làm công việc theo quy định tại khoản 1 Điều này được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

 

 

Việc chuyển  người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nêu trên thì người lao động vẫn thuộc sự quản lí của người sử dụng lao động và nếu quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm thì nếu tiếp tục phải tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người lao động căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 05/2015/NĐ-CP:

 

 

“3. Người sử dụng lao động đã tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động đủ 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, nếu tiếp tục phải tạm thời chuyển người lao động đó làm công việc khác so với hợp đồng lao động thì phải được sự đồng ý của người lao động bằng văn bản.”

 

Bạn không đề cập điều này trong nội dung tư vấn mà bạn đã gửi. Tại Điều 190 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định về quyền và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con như sau:

 

“1. Tùy thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con theo quy định tương ứng của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.



2. Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập.

 

... ”

 

Theo đó, pháp luật thừa nhận công ty mẹ và công ty con là hai pháp nhân độc lập với nhau nên việc kí kết hợp đồng lao động trong công ty con sẽ độc lập với công ty mẹ. Công ty mẹ và công ty con là công ty độc lập, có tư cách pháp nhân riêng thì khi người lao động thực hiện công việc khác dưới sự quản lí của người sử dụng lao động khác thì phải giao kết hợp đồng mới. Việc chấm dứt hay tạm hoãn hợp đồng cũ với công ty mẹ do Công ty mẹ và người lao động thỏa thuận với nhau.

 

Như vậy,việc chuyển người lao động như trên là không hợp lệ, trái quy định của pháp luật và việc người lao động đề nghị thanh toán tiền cho những năm làm việc trước khi bị chuyển sẽ không được pháp luật bảo đảm.

 

Người lao động đã sang làm cho công ty con và đã kí hợp đồng lao động với công ty con thì hợp đồng lao động giữa công ty mẹ và và người lao động đó không còn hiệu lực nên yêu cầu của người lao động sẽ không được giải quyết theo quy định của pháp luật.

 

TRÂN TRỌNG!

CV. BÙI THỊ THẢO – CÔNG TY LUẬT MINH GIA.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo