Luật sư Đào Quang Vinh

Tìm hiểu pháp luật về trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp

Tôi làm việc tại 1 công ty từ năm 1996 đến năm 2016 tôi xin chấm dứt hợp đồng lao đông với công ty. Công ty này chuyển từ nhà nước sang cổ phần năm 2004 hoạt động cho đến nay.

 

Nhưng mấy năm gần đây không có thỏa ước lao động tập thể như trước kia do cơ chế hoạt động của công ty. Mọi bảo hiểm ở công ty vẫn đóng đầy đủ. Đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động tôi gởi từ 15/3/2016 đến ngày 29/4/2016 mới ký quyết định cho tôi nghỉ từ 1/5/2016. Bây giờ tôi đã có việc làm ở 1 công ty khác thì trợ cấp thất nghiệp từ 2009 đến nay tôi không được hưởng có đúng không? Như vậy tôi có được hưởng trợ cấp thôi việc từ năm 2008 trờ về trước không. Công ty không chịu trả. Tôi muốn đòi thì thủ tục thế nào? Có qui định thời gian để đòi khoản trợ cấp thôi việc đó không vì đến nay đã gần 2 tháng rồi. Xin tư vấn giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Điều kiện để được hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định tại Điều 49 Luật việc làm 2013:

 

“Điều 49. Điều kiện hưởng

 

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

 

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

 

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

 

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

 

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

 

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

 

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

 

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

 

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

 

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

 

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

 

e) Chết.”

 

Hiện tại bạn đã làm ở một công ty khác mà theo khoản 4 Điều trên thì bạn phải chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, do vậy, hiện nay bạn sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

 

Trợ cấp thôi việc được quy định tại Điều 48 Bộ luật lao động năm 2012:

 

“Điều 48. Trợ cấp thôi việc

 

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

 

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

 

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.”

 

Theo đó, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động:

 

“1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.

 

2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

 

3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

 

….

 

5. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.

 

6. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

 

7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

 

….

 

9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.

 

10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

 

(Điều 36 Bộ luật lao động năm 2012)”

 

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Bộ luật lao động năm 2012:

 

“2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.” 

 

Do đó, công ty đã vi phạm quy định của pháp luật về thời hạn thanh toán trợ cấp thôi việc. Để được hưởng trợ cấp thôi việc từ năm 2008 trở về trước, bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi đến Công ty. Nếu công ty không giải quyết thì bạn gửi đơn khiếu nại lên Sở lao động thương binh và xã hội nơi mà công ty đăng kí kinh doanh. Trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại thì bạn có thể xem cụ thể tại Mục 4, 5 Nghị định 119/2014/NĐ-CP. Nếu không được giải quyết thì bạn có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân nơi công ty đăng kí kinh doanh. 

 

TRÂN TRỌNG!

CV. BÙI THẢO – CÔNG TY LUẬT MINH GIA.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo