LS Trần Khánh Thương

Thủ tục chốt sổ BHXH khi công ty nợ BHXH

Bảo hiểm xã hội được xem khoản tiền nhằm bảo đảm cuộc sống người lao động khi thu nhập không được ổn định. Bảo hiểm xã hội bao gồm 2 loại hình thức là bắt buộc và tự nguyện. Không phải chế độ bảo hiểm xã hội nào cũng được phép đóng tự nguyện. Mời bạn đọc quan tâm về vấn đề này tham khảo bài viết tư vấn giải quyết tình huống sau để biết thêm thông tin.

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Xin chào Công ty luật Minh Gia! Tôi xin nhờ công ty tư vấn hộ tôi về vấn đề BHXH. Tôi tham gia đóng BHXH từ tháng 8/20xx đến tháng 8/20xx thì công ty báo giảm trừ cho cả công ty tại BHXH vì lý do ông giám đốc công ty bị bắt công ty không hoạt động nữa. Nhưng công ty vẫn nợ tiền BHXH chỉ mới nộp đến tháng 7/20xx còn lại 13 tháng vẫn nợ BHXH nên tôi chưa được chốt sổ. Nay cá nhân tôi xin nộp số tiền nợ của công ty nợ BHXH để được chốt sổ có được không? Nếu được thì cần làm thủ tục gì? Tôi có được dùng sổ BHXH này chuyển sang đóng tự nguyện được không? Mong công ty tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi đã tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc chốt sổ BHXH khi công ty nợ tiền BHXH

Căn cứ theo Công văn 2266/BHXH-BT hướng dẫn giải quyết vướng mắc về thu, xác nhận sổ BHXH như sau:

Doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật còn nợ tiền BHXH, BHYT, nếu có người lao động chuyển nơi làm việc thì cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH của người lao động đến thời điểm doanh nghiệp đã đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia BHXH tại đơn vị mới, sau khi thu hồi được khoản nợ của doanh nghiệp thì xác nhận bổ sung thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH của người lao động.”

Công ty hiện tại không còn hoạt động nữa, nếu công ty đang thực hiện thủ tục phá sản hoặc giải thể. Trong quá trình thực hiện các khoản nợ liên quan đến lợi ích của người lao động được ưu tiên thanh toán. Để bảo đảm quyền lợi của mình, bạn có thể làm đơn yêu cầu Công ty nộp đủ số tiền BHXH đang nợ cho bạn. Nếu công ty vẫn không đồng ý thì bạn có thể gửi đơn đến cơ quan BHXH nơi công ty đang đóng bảo hiểm để yêu cầu bảo hiểm xã hội xác nhận quá trình đóng bảo hiểm đến thời điểm công ty đã đóng.

Theo Điểm 1.2 khoản 72 Điều 1 của Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế; quy định sửa đổi, bổ sung Điều 46 quyết định số 595/QĐ-BHXH như sau:

Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, HĐLV thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.

Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.”

Như vậy, trường hợp công ty đang nợ tiền BHXH thì bạn vẫn có thể chốt sổ BHXH tuy nhiên sẽ không tính thời gian 13 tháng đang nợ. Bạn có thể chủ động mang sổ BHXH lên cơ quan BHXH để thực hiện việc chốt sổ cho mình. Nếu bạn có yêu cầu mong muốn trả thay công ty khoản nợ 13 tháng đóng BHXH thì có thể liên hệ cơ quan BHXH để được xem xét.

Ngoài ra, chốt sổ BHXH là việc cơ quan bảo hiểm ghi nhận quá trình đã tham gia bảo hiểm xã hội trên sổ BHXH của người lao động khi họ dừng đóng BHXH tại một đơn vị. Sau khi chốt sổ bạn vẫn tiếp tục sử dụng số sổ BHXH và đóng tiếp các quá trình làm việc sau vào số sổ BHXH này.

Thứ hai, về đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH quy định về đối tượng áp dụng bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:

"Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bao gồm:

a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi;

b) Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố;

c) Người lao động giúp việc gia đình;

d) Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;

đ) Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

e) Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;

g) Người lao động đã đủ Điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ Điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

h) Người tham gia khác.

Các đối tượng quy định trên sau đây gọi chung là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.".

Như vậy, theo quy định nêu trên khi bạn nghỉ việc ở công ty và chốt sổ bảo hiểm xã hội, nếu không tiếp tục làm việc và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì bạn hoàn toàn có thể liên hệ cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi bạn đang sinh sống để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề chốt sổ BHXH và đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, nếu bạn còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật Minh Gia để được hỗ trợ giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo