Luật sư Đào Quang Vinh

Thời gian hợp đồng có được tính nâng bậc lương khi là công chức không?

Xin trả lời giúp em trường hợp của em như sau: Em là thạc sĩ, được UBND huyện nhận vào làm việc và ký hợp đồng theo năm bắt đầu từ tháng 1/2013.

 

Em thực hiện chế độ tập sự 1 năm, hưởng 85% của bậc lương 2,67. Từ tháng 1/2014- nay (tháng 6/2016), trong 2,5 năm này, em hưởng lương 2,67 và ký hợp đồng từng năm 1 (tức từ 1/2014-1/2015; 1/2015-1/2016; 1/2016-1/2017). Trong suốt quá trình làm việc (1 năm tập sự + 2,5 năm), em được đóng BHXH theo đúng quy định Nay, em được xét tuyển vào công chức. Vậy 2,5 năm hợp đồng trên, em có được tính vào để nâng bậc lương không? Vào khi nào thì em sẽ được nâng tăng bậc lương. Xin giúp em và cho em biết văn bản quy định trường hợp của mình.

 

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Theo quy định tại Điểm a, c Điều 1 Thông tư 08/2013/TT-BNV thì đối tượng nâng bậc lương thường xuyên sẽ gồm:

 

Điều 1. Phạm vi và đối tượng

 

1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:

 

a) Cán bộ, công chức, viên chức xếp lương theo bảng lương chuyên gia cao cấp, các bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ làm việc trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn (xã, phường, thị trấn gọi chung là cấp xã) và trong các đơn vị sự nghiệp công lập, gồm:

 

- Cán bộ trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thuộc diện xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP;

 

- Công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập xếp lương theo bảng lương chuyên gia cao cấp, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ (bao gồm cả các chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát);

 

- Cán bộ cấp xã quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 5 và công chức cấp xã quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (sau đây gọi là Nghị định số 92/2009/NĐ-CP).

 

 

c) Những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định hiện hành của pháp luật.”

 

Do đó, bạn làm việc liên tục kí hợp đồng từ tháng 1/2014 đến nay được xét tuyển công chức thuộc đối tượng được nâng bậc lương thường xuyên theo công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập xếp lương theo bảng lương chuyên gia cao cấp, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ . Tại Điểm a khoản 1 và Điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư này có quy định về thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên và tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên đối với cán bộ công chức như sau:

 

Điều 2. Chế độ nâng bậc lương thường xuyên

 

 

1. Điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh:

 

a) Thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên:

 

- Đối với chức danh chuyên gia cao cấp: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong bảng lương chuyên gia cao cấp, thì sau 5 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp được xét nâng một bậc lương;

 

- Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương;

 

- Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.

 

…..

 

2. Tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên:

 

……

 

a) Đối với cán bộ, công chức:

 

- Tiêu chuẩn 1: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên;

 

- Tiêu chuẩn 2: Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.”

 

Căn cứ theo quy định trên và bạn là thạc sĩ đang làm việc theo hợp đồng liên tục trong Ủy ban nhân dân huyện nay được xét tuyển viên chức sẽ được xếp vào nâng bậc lương đối với các ngạchcác chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên nên: “Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương”. Bậc lương của bạn đang là 2.67 đối chiếu với Bảng 2: Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước thì bạn đang thuộc công chức loại A1 bậc 2. Công chức loại A1 có tất cả 9 bậc. Do vậy, sau ba năm giữ bậc lương 2.67 bạn sẽ được xét nâng một bậc lương lên thành 3.00. Với 2,5 năm hợp đồng trên bạn vẫn được tính để xét nâng bậc lương.

 

Như vậy, từ tháng 1/2014 đến tháng 1/2017 bạn đạt tiêu chuẩn được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên và không vi phạm kỷ luật trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức hay cách chức thì bạn sẽ được nâng bậc lương sau thời gian này.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thời gian hợp đồng có được tính nâng bậc lương khi là công chức không?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV. Bùi Thảo – Công ty luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo