Luật sư Phùng Gái

Bảo hiểm tai nạn là gì? Thời gian hưởng bảo hiểm tai nạn?

Bảo hiểm tai nạn có vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người, giúp chúng ta khắc phục những tổn hại về sức khỏe, tính mạng khi xảy ra tai nạn bất ngờ. Vậy bảo hiểm tai nạn là gì? Pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào?

1. Bảo hiểm tai nạn là gì?

Bảo hiểm tai nạn là một loại hình bảo hiểm nhằm mục đích bù đắp những tổn thất về sức khỏe, tính mạng mà con người gặp phải do những tai nạn bất ngờ, không thể lường trouosc trong cuộc sống.

Hiện nay, dựa vào tính chất tham gia bảo hiểm, bảo hiểm tai nạn có thể được chia thành 02 loại: (i) Bảo hiểm tai nạn bắt buộc và (ii) bảo hiểm tai nạn tự nguyện.

* Bảo hiểm tai nạn bắt buộc

Theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các chế độ: Ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất. Theo đó, bảo hiểm tai nạn bắt buộc chỉ áp dụng cho trường hợp tai nạn lao động, người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng chế độ khi đáp ứng các điều kiện luật định.

Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, Tai nạn lao động được hiểu là “tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.”

* Bảo hiểm tai nạn tự nguyện

Bảo hiểm tai nạn tự nguyện là một loại hình sản phẩm bảo hiểm do các công ty bảo hiểm cung cấp. Khi tham gia bảo hiểm tai nạn, người được bảo hiểm sẽ được chi trả các chi phí như điều trị, bồi dưỡng sức khỏe, trợ cấp nằm viện…tùy thuộc vào từng gói bảo hiểm mà họ tham gia.

Bảo hiểm tai nạn tự nguyện không chỉ giới hạn cho trường hợp tai nạn lao động mà còn áp dụng cho các trường hợp tai nạn khác như hỏa hoạn, tai nạn giao thông, gãy tay chân, bị thương do đâm chém…

Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích các vấn về pháp lý về bảo hiểm tai nạn lao động bắt buộc theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động

Theo quy định tại Điều 43 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2014, đối tượng tham gia bảo hiểm tại nạn lao động bao gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

- Cán bộ, công chức, viên chức;

- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

- Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

3. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động được hưởng chế độ khi có đủ 02 điều kiện sau:

Một là, bị tai nạn trong các trường hợp:

- Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

- Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

- Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

Hai là, suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn thuộc các trường hợp đã liệt kê phía trên.

4. Tư vấn về bảo hiểm tai nạn lao động

Câu hỏi tư vấn: Em hiện đang đi làm công ty bị tai nạn lao động trên đường đi làm về, nhưng không thông báo ngay cho lãnh đạo công ty để công ty lập đoàn điều tra tai nạn lao động. Đến nay bạn em điều trị tại bệnh viện đã được hơn 2 tháng, chân của bạn em còn đang chờ phẩu thuật lần 2 chưa thể đi lại được.

Vì chưa thể đi lại được nên bên phía Cảnh Sát giao thông bảo chưa có biên bản tai nạn hay bản khám nghiệm hiện trường tai nạn. Vậy nên nay em chưa có đơn gửi lãnh đạo công ty xem xét giải quyết chế độ tại nạn lao động, em xin hỏi từ khi xảy ra tai nạn đến nay thời gian đã hơn 2 tháng em làm đơn mà không chưa có biên bản tai nạn giao thông (sau khi ổn định em xin bổ sung) thì có giải quyết được chế độ này không ạ? nếu giờ không làm được thì sau này khi em ổn định được, có đầy đủ giấy tờ thì làm đơn gửi lãnh đạo công ty có bị quá thời gian có được giải quyết không ạ? Và các thủ tục nếu được thì cần những giấy tờ gì? Em xin cảm ơn quý luật sư!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định của Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 về điều tra vụ tai nạn lao động. Cụ thể:

Điều 35. Điều tra vụ tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng

5. Người sử dụng lao động và các cá nhân liên quan đến tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng phải có nghĩa vụ hợp tác với Đoàn điều tra, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu có liên quan và không được từ chối hoặc cản trở quá trình điều tra.

Trường hợp tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cung cấp cho Đoàn điều tra một trong các giấy tờ sau đây:

a) Biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn;

b) Biên bản điều tra tai nạn giao thông;

c) Trường hợp không có các giấy tờ quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì phải có văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra tai nạn theo đề nghị của người lao động hoặc thân nhân của người lao động.

Điều 59. Giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Luật này.

2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Như vậy, không có quy định rõ về thời gian phải thực hiện nghĩa thông báo cho đơn vị sử dụng lao động biết từ khi vụ tai nạn xảy ra để giải quyết chế độ; chỉ có quy định về thời gian công ty phải giải quyết chế độ sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ từ người lao động. Theo đó, việc hơn hai tháng từ ngày xảy ra tai nạn bạn vẫn chưa liên hệ với công ty để xử lý cũng không ảnh hưởng tới quyền lợi hưởng chế độ của bạn. 

Tuy nhiên để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của mình thì thời điểm hiện nay khi tình trạng sức khỏe của bạn đã dần ổn định thì bạn nên liên hệ với cơ quan điều tra vụ tai nạn hoặc công an xã, phường để yêu cầu cung cấp biên bản khám nghiệm hiện trường và hồ sơ vụ tai nạn; biên bản điều tra tai nạn giao thông; văn bản xác nhận bị tai nạn của công an xã, phường nộp cho công ty nơi bạn làm việc để giải quyết các thủ tục cần thiết còn lại (hoàn tất hồ sơ giám định mức suy giảm khả năng lao động, biên bản điều tra kết luận tai nạn lao động) gửi cơ quan bảo hiểm để giải quyết chế độ bảo hiểm và hưởng quyền lợi từ công ty tri trả.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo