Hoàng Thị Nhàn

Thay đổi công việc của nhân viên không bàn bạc trước có vi phạm không?

Em đang ở trường hợp sau nhờ các anh chi tư vấn giúp: - Em làm việc cho VPĐD của Hong Kong về lĩnh vực may mặc. Vì công ty có người mới nộp đơn xin nghỉ, nên sáng nay công ty gởi 1 email yêu cầu em chuyển qua nhận bàn giao công việc đó,

 

Câu hỏi: Chào các Anh/Chị, Em đang ở trường hợp sau nhờ các anh chi tư vấn giúp: - Em làm việc cho VPĐD của Hong Kong về lĩnh vực may mặc. Vì công ty có người mới nộp đơn xin nghỉ, nên sáng nay công ty gởi 1 email yêu cầu em chuyển qua nhận bàn giao công việc đó, (công việc mới vẫn nằm trong lĩnh vực chuyên môn và nghiệp vụ của em, chỉ có điều là khách hàng mới thôi). Em không đồng ý với quyết định thay đổi này (Trước đây họ đã cũng đã yêu cầu em một lần và có hứa là sẽ không thay đổi nữa, nhưng hứa miệng thôi, chứ không có văn bản chính thức). - Nếu công ty dựa vào lý do em không tuân thủ yêu cầu của công ty mà cho em nghỉ việc thì công ty có sai không? Sai ở những điểm nào? - Nếu em không đồng ý và nghỉ việc, xem như đơn phương chấm dứt hợp đồng thì em được quyền lợi gì? Em nhờ các anh/chị tư vấn giúp em. Chân thành cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi tới công ty chúng tôi! Câu hỏi trên chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất: Nếu công ty dựa vào lý do em không tuân thủ yêu cầu của công ty mà cho em nghỉ việc thì công ty có sai không? Sai ở những điểm nào?

 

Theo quy định của Bộ luật Lao động 2012 thì:

 

Điều 31. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động

 

1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.

 

2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.

 

Điều 31 quy định khi gặp khó khăn do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì NSDLĐ có quyền tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với hợp đồng lao động, theo đó trong trường hợp này của bạn thì công ty có quyền chuyển bạn sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm. Và khi được NSDLĐ thông báo biết trước ít nhất 03 ngày, bạn có nghĩa vụ thực hiện công việc mà không được từ chối.

 

Nếu không có lý do chính đáng theo điều 31 thì bạn đã ký hợp đồng với công ty nội dụng công việc như thế nào thì bạn vẫn thực hiện đúng công việc đó. Việc công ty lấy lý do bạn tuân thủ yêu cầu của công ty mà cho bạn nghỉ việc là trái pháp luật.

 

Thứ hai: Nếu em không đồng ý và nghỉ việc, xem như đơn phương chấm dứt hợp đồng thì em được quyền lợi gì?

 

Bộ luật lao động 2012 quy định:

 

Điều 37.Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động.

 

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

 

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

 

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

 

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

 

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

 

Điều 43. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

 

1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

 

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

 

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.

 

+,  Nếu công ty chuyển bạn sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động do nhu cầu sản xuất kinh doanh thì việc bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng là hoàn toàn không có căn cứ theo điều 37, trừ trường hợp, hợp đồng của bạn là hợp đồng không xác định thời hạn nhưng trước khi nghỉ việc bạn cần thông báo  cho công ty biết trước ít nhất 45 ngày.

 

Lúc này, bạn sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

 

+,  Nếu công ty chuyện bạn sang làm công việc khác so với hợp đồng mà không có căn cứ theo điều 31 thì bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng là hợp pháp theo quy định của điều 37 Bộ Luật lao động 2012.

 

Lúc này, bạn sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc nếu đáp ứng điều kiện theo quy định tại điều 48 Bộ Luât Lao động 2012. Cụ thể:

 

Điều 48. Trợ cấp thôi việc

 

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 9 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

 

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

 

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

 

Bạn có thể tham khảo bài viết sau: Quyền lợi của người lao động khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thay đổi công việc của nhân viên không bàn bạc trước có vi phạm không?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Luật gia. Lê Văn Minh – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo