Nguyễn Thu Trang

Tham gia 2 hợp đồng lao động thì đóng BHXH như thế nào?

Với thực trạng nền kinh tế phát triển như hiện nay, việc một người lao động làm 2 công việc, giao kết 2 hợp đồng lao động diễn ra ngày một phổ biến. Vấn đề đặt ra là khi có hai hợp đồng lao động thì các chế độ về bảo hiểm xã hội xử lý thế nào?

Bảo hiểm xã hội giúp bảo đảm thay thế, bù đắp sự thiếu hụt về mặt tài chính cho người lao động và gia đình người lao động khi gặp phải những rủi ro trong cuộc sống như tai nạn, ốm đau,... Ngoài chức năng trên thì bảo hiểm xã hội sẽ phân phối lại thu nhập cho người lao động, nghĩa là, người lao động sẽ đóng bảo hiểm xã hội để hưởng trợ cấp khi gặp rủi ro hay có vấn đề khác như thai sản, thất nghiệp hay lương hưu sau này…

Mức lương tham gia đóng bảo hiểm xã hội là cơ sở quan trọng để giải quyết các chế độ cho người lao động. Do đó, với người lao động tham gia 2 hợp đồng lao động thì cần đóng bảo hiểm xã hội như thế nào là vấn đề rất nhiều người còn thắc mắc.

Bạn hãy liên hệ tổng đài Luật Minh Gia:  1900.6169 để chúng tôi cung cấp những căn cứ pháp luật và hướng dẫn cho bạn những quy định về tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động. Bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để rõ hơn về phương thức đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động có 2 hợp đồng lao động.

CÂU HỎI TƯ VẤN: Dear Luật Minh Gia,Mình có vấn đề này nhờ Luật Minh Gia giải đáp giúp. Do từ trước đến giờ mình có làm ở công ty A và có tham gia đầy đủ các loại hình bảo hiểm (BHYT, BHXH, BHTN). Tháng 3/2019 mình có ký hợp đồng thử việc ở 1 công ty B (vẫn tiếp tục làm song song ở cty A) và chuẩn bị ký hợp đồng lao đồng chính thức và sẽ chuẩn bị đóng BH bên công ty B.Cho mình hỏi là mình có thể không cần tham gia BH ở cty B được không ? Điều này có vi phạm pháp luật gì không ? Vì theo tìm hiểu mình biết là đã đóng BH ở công ty A thì không cần tham gia tiếp việc đóng BH ở cty B.

TRẢ LỜI: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH về quản lý đối tượng như sau:

“Người lao động đồng thời có từ 02 HĐLĐ trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, BHTN theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất, đóng BHTNLĐ, BNN theo từng HĐLĐ.”

Như vậy, theo quy định trên, bạn phải tham gia bảo hiểm ở công ty B, cụ thể là bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cả 2 HĐLĐ, còn BHYT thì đóng theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất.

Căn cứ theo quy định tại Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP và Khoản 19 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 95/20133/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH như sau:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp hoặc tham gia không đúng mức quy định.

2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.”

Như vậy, bạn có thể đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp theo HĐLĐ với công ty A, nhưng Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp bạn phải đóng cả hai nơi, nếu bạn không tham gia bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đối với hợp đồng lao động số 2 thì bạn và công ty sẽ bị xử phạt theo quy định đã trích dẫn ở trên.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo