Trần Tuấn Hùng

Thắc mắc về quyết định thôi việc và trợ cấp thôi việc đối với người lao động

Tư vấn về trường hợp người lao động làm việc trong quỹ tín dụng nghỉ việc thì có được quỹ tín dụng trả trợ cấp thôi việc không và ai có quyền ký quyết định thôi việc cho người lao động.

 

Nội dung câu hỏi: Tôi hiện tại công tác tại quỹ tín dụng nhân dân (qtd) từ tháng 6/2017. Đến Đại hội nhiệm kỳ mới vào đầu tháng 3/2018 tôi được bầu vào thành viên hội đồng quản trị (hdqt) của qtd (gồm 3 thành viên) và đến 18/3/2018 tôi được ủy quyền làm quyền giám đốc vì giám đốc (cũng là thành viên hdqt) hiện tại nghỉ sinh. Sau Đại hội, tại qtd của tôi có 1 người được hdqt thông báo nghỉ vào ngày 15/3/2018 vì : đến tuổi về hưu (60 tuổi) Và ngày bắt đầu nghỉ là 01/4/2018. Vậy tôi xin hỏi 3 vấn đề sau: 1/ qtd có phải trả trợ cấp thôi việc cho người này không? Và mức trả? Người này đã công tác 23 năm và mới đóng bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2015 đến nay (người về hưu mới đóng bhxh được 15 năm chưa đủ điều kiện hưởng hưu và cũng muốn nhận 1 lần.) 2/ quyết định nghỉ việc của người này theo khoản mấy điều nào trong bộ luật lao động?3/ tôi có quyền ra quyết định thôi việc này không (vì tôi chỉ mới được bầu trong nhiệm kỳ này )và có cần quyết định của chủ tịch hdqt không?

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau :

 

Thứ nhất, quỹ tín dụng nhân dân có phải thanh toán trợ cấp thôi việc cho người lao động đó không?

 

Điều 48 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về trợ cấp thôi việc:

 

“1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.”

 

Theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 8 Điều 36 Bộ luật lao động năm 2012 quy định :

 

“4. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này….

 

8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này.”

 

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 và Khoản 4,8 Điều 36 Bộ luật lao động năm 2012 thì đối tượng được trợ cấp thôi việc không bao gồm trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về  thời gian đóng bảo hiểm xã hội và độ tuổi hưởng lương hưu; trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải. Khi người lao động có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hộị trở lên và đủ 60 tuổi đối với nam và đủ 55 tuổi đối với nữ thì đơn vị cho người lao động nghỉ để hưởng lương hưu theo quy định. Trường hợp của bạn, nếu người lao động đã đủ 60 tuổi nhưng chỉ có 15 đóng bảo hiểm xã hội như vậy thì không đủ điều kiện hưởng lương hưu và nếu không thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, không bị kỷ luật sa thải và có thời gian làm việc thường xuyên từ đử 12 tháng trở lên tại quỹ tín dụng thì quỹ tín dụng phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động này.

 

Mức trả được tính căn cứ trên số năm làm việc thực tế cho quỹ tín dụng, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

 

Thứ hai, quyết định cho người lao động thôi việc căn cứ  theo quy định nào?

 

Điều 36 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động:

 

"1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.

 

2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

 

3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

 

4. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này….”

 

Người lao động đang làm việc tại quỹ tín dụng đã đủ 60 tuổi nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội nên nếu hợp đồng lao động đã hết thời hạn hoặc hai bên thỏa thuận chấm dứt lao động thì có căn cứ để quyết định cho người lao động nghỉ việc với một trong các trường hợp theo Điều 36 Bộ luật lao động năm 2012.

 

Thứ ba, việc quyết định cho người lao động thôi việc do ai thực hiện?

 

Khoản 6 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định:

 

“6. Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này và Luật hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.”

 

Điều 14 Thông tư 30/2013/NĐ-CP quy định về hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người ký kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền:

 

“1. Người ký kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 44/2013/NĐ-CP là người ký kết hợp đồng không thuộc một trong các đối tượng sau:

 

a) Bên người sử dụng lao động

 

- Người đại diện theo pháp luật quy định tại Điều lệ của doanh nghiệp hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền đối với doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp;

 

- Người đại diện theo pháp luật quy định tại Điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo Luật hợp tác xã;...”

 

Như vậy theo Khoản 6 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và Điều 14 Thông tư 30/2013/NĐ-CP thì việc ký kết hợp đồng lao động sẽ do đại diện theo pháp luật của quỹ tín dụng ký và khi người lao động này nghỉ việc thì chủ tịch hội đồng quản trị là đại diện theo pháp luật của quỹ tín dụng sẽ có thẩm quyền ký quyết định thôi việc.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV: Nông Diệp - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo