Trần Tuấn Hùng

Thắc mắc về bồi thường chi phí đào tạo khi vi phạm cam kết làm việc

Luật sư tư vấn giải đáp thắc mắc của người lao động liên quan đến việc bồi thường đào tạo nghề khi vi phạm thời gian cam kết làm việc tại công ty và việc giữ sổ bảo hiểm xã hội của công ty. Cụ thể như sau:

 

Dear Luật sư, Năm 5/016, tôi có ký hợp đồng lao động với Công ty A. Trong đó, có điều khoản nếu tôi nghỉ trước 02 năm thì sẽ bị phạt 30 triệu cho chi phí đào tạo. Chỉ là đào tạo nội bộ trong Công ty thôi ạ. Từ lúc đóng bảo hiểm, Công ty giữ sổ Bảo hiểm của tôi. Theo như tôi được biết thì hành vi đó là vi phạm Luật lao động. Tháng 9 này tôi nghỉ việc tại Công ty. Tuy nhiên Công ty yêu cầu tôi phải quyết toán khoản 30 triệu đó mới trả sổ Bảo hiểm cho tôi. Tôi muốn hỏi Luật sư: 1. Việc đưa khoản 30 triệu này vào HĐLĐ có vi phạm quy định gì không? Nếu tôi không thanh toán khoản 30 triệu đó, bên Công ty A có thể kiện tôi được không? 2. Hành vi giữ sổ bảo hiểm của tôi có vi phạm Luật không? Tôi xin chân thành cảm ơn Luật sư và mong có phản hồi sớm ạ.

 

Trả lời câu hỏi: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công Ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn về vấn đế của bạn như sau:

 

Thứ nhất, bạn có phải thanh toán cho công ty 30 triệu đồng khi vi phạm về cam kết về thời gian làm việc không?

 

Điều 62. Hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề, Bộ luật lao động năm 2012.

 

“1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.

 

Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

 

2. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

 

a) Nghề đào tạo;

 

b) Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo;

 

c) Chi phí đào tạo;

 

d) Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo;

 

đ) Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;

 

e) Trách nhiệm của người sử dụng lao động.

 

3. Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.”

 

Như vậy, trường hợp mà bạn và người sử dụng lao động không ký kết hợp đồng đào tạo nghề theo Điều 62 hoặc trong hợp đồng lao động và không có thỏa thuận về các nội dung của việc đào tạo và chi phí đào tạo thì bạn không phải trả khoản tiền 30 triệu này vì việc đào tạo nghề phải được lập thành hợp đồng và phảo có đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật thì mới có giá trị pháp lý, kể cả khi có quy định trong hợp đồng lao động về thời hạn cam kết làm việc và về việc bồi thường khi vi phạm mà không có hợp đồng đào tạo nghề thì người lao động cũng không phải bồi thường cho người sử dụng lao động số tiền mà hai bên thỏa thuận.

 

Trường hợp hai bên có ký hợp đồng đào tạo nghề với các nội dung theo quy định của pháp luật thì nếu vi phạm về thời hạn cam kết làm việc thì bạn mới phải bồi thường chi phí đào tạo hợp lý ghi trong hợp đồng đào tạo.

 

Thứ hai, việc công ty giữ sổ bảo hiểm xã hội có vi phạm pháp luật không?

 

Việc công ty giữ sổ bảo hiểm xã hội của bạn là không trái với quy định của pháp luật vì khi bạn đang tham gia làm việc tại công ty thì công ty có trách nhiệm quản lý sổ bảo hiểm của người lao động, khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động với công ty thì công ty có trách nhiệm thực hiện thủ tục chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, hết thời hạn 7 ngày làm việc trong trường hợp bình thường và không quá 30 ngày trong trường hợp phức tạp. Bạn có thể tham khảo Điều 47,Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, Bộ luật lao động năm 2012.

 

“1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

 

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

 

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

 

4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nông Diệp - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo