Triệu Lan Thảo

Tai nạn trên đường đi làm việc, hưởng chế độ đối với NLĐ

Trên đường đi làm, em gái tôi bị tai nạn, người gây tai nạn bỏ trốn không xác định được, em tôi phải nghỉ điều trị 1 tháng, bên tôi đã báo cho công ty về việc này. Khi tôi đến hỏi về việc hưởng chế độ theo bảo hiểm thì công ty yêu cầu các giấy tờ chứng minh mà tôi không có đủ giấy tờ họ yêu cầu.

 

Kính chào luật sư,tôi có một câu hỏi sau muốn được sự tư vấn của luật sư,mong luật sư giúp đỡ ạ. Sự việc như sau ạ:trên đường đi làm e gái tôi bị tai nạn giao thông xe máy do một người đi xe máy khác đâm vào và bị chấn thương sọ não,người gây ra tai nạn đã bỏ chạy,nơi sẩy ra tai nạn ở ngay cổng cty và núc đó có rất nhiều bạn công nhân khác đã đưa e gái tôi vào cổng cty ,rồi điện cho chồng e gái tôi ra đưa đi viện ngay ,và không báo cho công an,và ngay hôm sau chồng e tôi có đến cty báo cho cty biết và xin cho e gái tôi nghỉ để đi điều trị,và đến giờ đã được hơn một tháng e gái tôi điều trị và đã quay trở lại đi làm,và nộp các giấy tờ để hưởng bảo hiểm như tai nạn lao động ,tất cả các giấy tờ đã nộp nhưng bên cty đòi thêm giấy biên bản hiện trường của công an,nhưng hôm đó e gái tôi không báo cho công an ,và e tôi cũng được đi cấp cứu luôn,và người gây ra tai nạn cũng đã bỏ đi,lên tôi không có giấy của công an,thì cty bảo không có giấy của công an thì họ không giải quyết,và những ngày e tôi lằm điều trị vừa qua trong đó có 9 ngày nghỉ tết âm lịch và tất cả mọi người đều được nghỉ và hưởng lương ,nhưng cty tôi cũng không chả tiền lương 9 ngày đó,tôi có hỏi cty ,thì cty trả lời là tôi nghỉ liền một mạch đi viện như vậy thì không được hưởng,trên đây là nội dung tôi muốn hỏi cty làm như vậy có đúng luật hay không ạ,tôi mong  nhận được sự giúp đỡ của luật sư,mong luật sư giúp đỡ e gái tôi. 

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

 

Trong trường hợp của em bạn, không nói rõ em bạn có tham gia đóng bảo hiểm lao động đầy đủ hay không, nếu đã đóng bảo hiểm thì việc giải quyết như sau.

 

Việc em bạn bị tai nạn trên đường đi làm từ nhà đến nơi làm việc được coi là tai nạn lao động theo quy định tại Điều 142 Bộ luật lao động năm 2012 và Điều 12 Nghị định 45/2013/NĐ-CP:

 

Điều 12. Tai nạn lao động và sự cố nghiêm trọng

“1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tấm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc.

2. Tai nạn được coi là tai nạn lao động là tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở”.

 

Khi yêu cầu hưởng bảo hiểm lao động, bạn cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định tại Điều 104 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 bao gồm:

 

"1. Sổ bảo hiểm xã hội.

2. Biên bản điều tra tai nạn lao động, trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì phải có thêm biên bản tai nạn giao thông hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông.

3. Giấy ra viện sau khi đã điều trị tai nạn lao động.

4. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.

5. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động".

 

Vì vậy, việc công ty yêu cầu biên bản tai nạn giao thông hoặcvăn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra tai nạn là đúng quy định, những giấy tờ này mục đích là chứng minh trên thực tế có sảy ra sự kiện bảo hiểm.

 

Nếu bạn không có giấy tờ trên , không thể chứng em bạn bị tai nạn trên đường đi làm việc thì việc em bạn bị tai nạn và phải nghỉ làm việc được tính hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 25 Luật bảo hiểm xã hội.

"Điều kiện hưởng chế độ ốm đau:

1. Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.

2. Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền"

 

Về thời gian được nghỉ chế độ ốm đau được quy định như sau:


1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

2. Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:

a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;

b) Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

3. Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 của Luật này căn cứ vào thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

 

Do vậy, tùy vào công việc và thời gian em bạn tham gia bảo hiểm xã hội mà sẽ có thời gian nghỉ và hưởng chế độ ốm đau khác nhau, trong thời gian nghỉ em bạn được hưởng chế độ ốm đau theo quy định.

 

 Về việc  hưởng lương 09 ngày nghỉ lễ tết như sau:

 

Theo quy định tại Điều 115 Bộ Luật lao động

 

1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

a) Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

b) Tết Âm lịch 05 ngày;

c) Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

d) Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

đ) Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch);

e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

2. Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài ngày nghỉ lễ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

3. Nếu những ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

 

Như vậy, theo quy định của pháp luật em bạn sẽ được hưởng nguyên lương trong ít nhất là 05 ngày nghỉ Tết Âm lịch, nếu trong điều lệ công ty hay quyết định của công ty cho công, nhân viên hưởng nguyên lương 09 ngày nghỉ lễ Tết Âm lịch thì bạn sẽ được hưởng theo quy định của công ty.

Bạn nên giúp em bạn làm hồ sơ để em bạn được hưởng chế độ ốm đau và đơn đề nghị công ty chi trả số tiền hưởng nguyên lương trong thời gian 09 nghỉ tết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Đoàn Văn Chiến - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo