Hoàng Thị Nhàn

Tại nạn lao động trong quá trình làm việc

Tình hình là mình bị tai nạn trong quá trình pha nước xút (NaOH) bị bỏng.....

 

Nội dung câu hỏi:  Tình hình là mình bị tai nạn trong quá trình pha nước xút (NaOH) bị bỏng ở phần chân (xảy ra tại công ty, thực hiện công việc do công ty giao phó). Mình lại không đóng bảo hiểm y tế tại công ty mà lại mua bảo hiểm ở ngoài. Bảo hiểm xã hội thì công ty có đóng, nhưng mình lấy cái tiền đó (nếu đóng bảo hiểm thì mình đóng 400k, công ty đóng 800k) thay vào đó mình làm giấy cam kết là không đóng bảo hiểm để nhận số tiền thêm là 800k. Đúng ra thì công ty cũng thực hiện đúng nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Nhưng vì muốn có thêm tí thu nhập nên mình đã không đóng bảo hiểm mà lấy 800k.. Nay mình muốn hỏi: 1. Công ty cho phép người lao động nhận 800k đó thay vì đóng cho bảo hiểm. (Tức là có thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động). Cách làm đó có công ty có làm đúng không? 2. Nếu như vậy thì công ty có lo gì cho mình khi mình bị bỏng như vậy không? Cám ơn Luật Minh Gia.

 

Trả lời: Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề này chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 6 Khoản 2 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động như sau:

…………….

 

đ) Thực hiện các quy định khác của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế.

 

Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về phải tham gia bảo hiểm xã hội:

 

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

 

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

……………

 

3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

 

Điều 26 Nghị định 95/2013 sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 88/2015 quy định:

 

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp hoặc tham gia không đúng mức quy định.

 

2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

………………

 

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

 

3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

 

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

 

a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

 

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.”

 

Theo đó, người lao động làm việc từ 03 tháng trở lên và người sử dụng lao động có thuộc đối tưởng phải tham gia BHXH bắt buộc. Việc bạn có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH thì có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng và phải nộp tiền truy thu BHXH bắt buộc chưa đóng. Đối với người sử dụng lao động có nghĩa vụ nộp số tiền truy thu BHXH chưa đóng và tiền lãi của số tiền BHXH bắt buộc đóng.

 

Điều 142 Bộ luật Lao động 2012 quy định về Tai nạn lao động:

 

1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

 

Điều 144. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

 

1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

 

2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

 

3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.

 

Điều 145. Quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

 

2. Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

 

Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.

 

3. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:

 

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

 

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.

 

4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.

 

Theo quy định trên thì khi xảy ra tại nạn lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế, trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị. Ngoài ra, người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động bồi thường cho mình theo quy định tại Điều 145.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tại nạn lao động trong quá trình làm việc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV. Lê Minh – Công ty Luật Minh Gia.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo