LS Vũ Thảo

Sa thải nhân viên do tham ô công quỹ

Luật sư tư vấn khi người lao động có hành vi tham ô công quỹ thì bị xử lý kỉ luật theo hình thức sa thải.


Bên em có người lao động được Chủ tịch Công ty giao điều hành quản lý một chi nhánh của Cty, trong thời gian giữ chức vụ này Anh A đã yêu cầu Cô Thủ quỹ đưa tiền cho A ứng nhưng lại không cho Thủ quỹ lập phiếu tạm ứng.Nhưng Cô Thủ quỹ này có lập một bản Thu - Chi bằng file excell  hàng tháng có gửi bản này cho Anh A xem qua email và bản này có thể hiện những khoản Anh A ứng do Chi nhánh này mới hoạt động nên các quy định cũng chưa được chặt chẽ và lại tin tưởng anh A nên sau 5 tháng Cty mới phát hiện ra những khoản Anh A ứng. Giờ Cty bắt Anh trả thì anh A lại đổ thừa là không có chứng từ tạm ứng ký nên không chịu.Ngoài vấn đề trên Anh A còn yêu cầu đối tác của Cty chuyển tiền qua tài khoản của Anh A, khi cty phát hiện ra thì có lập biên bản về những khoản tiền này A đã nhận.=> căn cứ vào hai vấn đề trên Cty đã tổ chức một cuộc họp kỷ luật anh A, và dựa vào biên bản này Cty làm QĐ kỷ luật sa thải đối với anh A  và chỉ cho thời gian anh Bàn giao có 01 tuần, lý do sa thải: là tham ô công quỹ của Cty.Luật sư cho em hỏi Cty làm như vậy có đúng không? Xin cảm ơn Luật Sư.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho Luật Minh Gia. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ tại Điều 126 về Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải theo Bộ luật lao động 2012:

 

"Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:

 

1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;

…’’

Như vậy, anh A đã có những hành vi tham ô công quỹ như: ứng tiền nhưng không lập phiếu tạm ứng, chuyển tiền của đối tác vào tài khoản của mình. Trong trường hợp này, công ty hoàn toàn có căn cứ để xử lý kỷ luật anh A bằng hình thức sa thải.

 

Tuy nhiên, việc Công ty sa thải anh A thì phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định tại Điều 123 Bộ luật lao động 2012 và được hướng dẫn chi tiết tại Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP:

 

“Điều 30. Trình tự xử lý kỷ luật lao động

 

Trình tự xử lý kỷ luật lao động tại Điều 123 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:

 

1. Người sử dụng lao động gửi thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên cơ sở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở, người lao động, …

 

2. Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động được tiến hành khi có mặt đầy đủ các thành phần tham dự được thông báo theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Trường hợp người sử dụng lao động đã 03 lần thông báo bằng văn bản, mà một trong các thành phần tham dự không có mặt thì người sử dụng lao động tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, trừ trường hợp người lao động đang trong thời gian không được xử lý kỷ luật quy định tại Khoản 4 Điều 123 của Bộ luật Lao động.

 

3. Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản và được thông qua các thành viên tham dự trước khi kết thúc cuộc họp. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký của các thành phần tham dự cuộc họp quy định tại Khoản 1 Điều này và người lập biên bản. Trường hợp một trong các thành phần đã tham dự cuộc họp mà không ký vào biên bản thì phải ghi rõ lý do.

 

4. Người giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 3 Nghị định này là người có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động. Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động chỉ có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động theo hình thức khiển trách.

 

5. Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được ban hành trong thời hạn của thời hiệu xử lý kỷ luật lao động hoặc thời hạn kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động theo Điều 124 của Bộ luật Lao động, Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được gửi đến các thành phần tham dự phiên họp xử lý kỷ luật lao động.”

 

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo về việc Tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động được hướng dẫn tại Điều 12 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Trần T Lan Anh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo