Hoàng Thị Nhàn

Quyết định tăng lương có giá trị pháp lý như phụ lục HĐLĐ không?

Trong trường hợp doanh nghiệp muốn tăng lương cho người lao động, thì doanh nghiệp ra quyết định tăng lương hoặc ký phụ lục hợp đồng có được không? Quyết định tăng lương có giá trị pháp lý như phụ lục hợp đồng không? Để tìm hiểu chi tiết về vấn đề này, bạn có thể tham khảo nội dung tư vấn dưới đây:

 

1. Tư vấn doanh nghiệp muốn tăng lương cho người lao động

Tăng lương là một trong những giải pháp được nhiều doanh nghiệp áp dụng trong việc giữ chân người lao động. Lúc này, để đảm bảo tính pháp lý cũng như thuận tiện cho mình, doanh nghiệp nên ra quyết định tăng lương hay ký phụ lục hợp đồng? Nếu bạn chưa tìm hiểu quy định pháp luật về vấn đề này, bạn hãy liên hệ tới Luật Minh Gia, luật sư sẽ tư vấn cho bạn những nội dung như sau:

+ Quy định pháp luật về tăng lương;

+ Nên ký phụ lục hợp đồng hay ra quyết định tăng lương khi doanh nghiệp muốn tăng lương cho người lao động?

+ Quyết định tăng lương có giá trị pháp lý như phụ lục hợp đồng không?

Để liên hệ với chúng tôi và yêu cầu tư vấn, bạn vui lòng gửi câu hỏi hoặc Gọi: 1900.6169, ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm tình huống mà Luật Minh Gia tư vấn dưới đây:

2. Doanh nghiệp ra quyết định tăng lương cho người lao động

Nội dung yêu cầu:  Xin chào công ty Luật Minh Gia! Tôi là người rất hay đọc và tìm hiểu các vấn đề về chính sách pháp luật thông qua các câu hỏi và trả lời của Luật Minh Gia. Hiện chúng tôi đang có vấn đề về tiền lương với người SDLĐ, cụ thể như sau: Cty chúng tôi là DNNN chuyển sang Cty CP, toàn bộ số CP được một chủ mới mua lại. Trong quá trình sắp xếp lại DN, hiện Chủ DN yêu cầu toàn bộ CBCNV giảm 20% lương với lý do DN hoạt động không hiệu quả ( mức lương sau giảm vẫn cao hơn mức tối thiểu vùng). Chúng tôi, những CBCNV làm việc lâu năm tại DN chỉ có HĐLĐ ko thời hạn ký với mức lương khởi điểm. Trong quá trình làm việc chỉ có các QĐ tăng lương chứ không có PLHĐLĐ. Vậy tôi xin được hỏi trong trường hợp này các QĐ tăng lương có được tính như PLHĐLĐ ko. Chủ sử dụng LĐ làm có đúng luật không. Rất mong sớm nhận được tư vấn của quý Cty. Xin trân trọng cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề này chúng tôi tư vấn như sau:

Nghị định 59/2011/NĐ-CP quy định:

Điều 10. Nguyên tắc kế thừa quyền và nghĩa vụ của công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước

1. Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm sắp xếp, sử dụng tối đa số lao động tại thời điểm quyết định cổ phần hóa và giải quyết chế độ cho người lao động nghỉ việc, thôi việc theo quy định hiện hành.

Công ty cổ phần có nghĩa vụ kế thừa mọi trách nhiệm đối với người lao động từ doanh nghiệp cổ phần hóa chuyển sang; có quyền tuyển chọn, bố trí sử dụng lao động và phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Chiếu theo quy định trên thì việc Doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa từ Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng không kì hạn với mức lương trong hợp đồng với bạn. Việc giảm vốn 20% lương là hoàn toán không đúng quy định của pháp luật.

Vấn đề về phụ lục hợp đồng lao động Điều 24 Bộ luật Lao động 2012 quy định:

Điều 24. Phụ lục hợp đồng lao động

1. Phụ lục hợp đồng lao động là một bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.

2. Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều khoản hoặc để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.

Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động dùng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung những điều khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.

Phụ lục hợp đồng là một bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng, dùng để quy định chi tiết hoặc sử đổi, bổ sung hợp đồng lao động nên khi có sự thay đổi mức tiền lương thì phải làm phụ lục hợp đồng để sửa đổi mức tiền lương, đây cũng là căn cứ để đóng BHXH của người lao động. Đối với quyết định tăng lương thì được coi là một văn bản thể hiện sự thay đổi điều khoản về tiền lương trong hợp đồng lao động, nếu người lao động đồng ý với quyết định này thì đây cũng được coi là sự thỏa thuận thay đổi hợp đồng lao động.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quyết định tăng lương có giá trị pháp lý như phụ lục HĐLĐ không?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo