Phạm Diệu

Quyền và nghĩa vụ của NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Thưa luật sư, em là tiếp viên xe buýt. Em vào công ty đã được hơn 1 năm rồi, tính từ ngày chính thức ký HĐLĐ là ngày 28/1/2015 và đến ngày 28/1/2016 thì em đã ký thêm 1 HĐLĐ mới (loại HĐLĐ không xác định thời hạn).

Trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua thì công ty đã chi thưởng cho tất cả nhân viên vào ngày 3/2/2016. Luật sư cho em hỏi là nay em nộp đơn xin nghỉ việc đúng quy định của công ty (tính từ ngày nộp đơn đến lúc nghỉ là 45 ngày) nhưng chưa qua 45 ngày kể từ ngày chi tiền thưởng thì khi em nghỉ em có bị mất tiền thưởng tết không? Em đã làm ở công ty trên 1 năm, như vậy thì khi em nghỉ việc đúng quy định của công ty thì có hưởng được chế độ BHTN không? Nếu có thì quá trình nhận tiền BHTN ra sao, được lãnh từng tháng hay lãnh 1 lần. Lương cơ bản trong HĐLĐ của em là 3.500.000đ, tiền BHXH mỗi tháng em đóng là 389.000đ. Mong luật sư tư vấn giùm. Em xin chân thành cảm ơn.

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho Luật Minh Gia, Luật Minh Gia xin tư vấn cho bạn như sau:

Thứ nhất, theo khoản 3 điều 37 BLLĐ 2012:

Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

Với trường hợp của bạn, bạn đang làm việc với hợp đồng không xác định thời hạn, khi muốn chấm dứt HĐLĐ, bạn phải báo trước theo đúng thời hạn pháp luật hoặc công ty bạn đang làm việc quy định. Nếu không tuân thủ thời hạn báo trước, bạn phải
hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.  Ngoài chi phí này, các khoản tiền thưởng khác bạn đều không phải hoàn trả. Tức là, bạn không phải hoàn trả các khoản thưởng cho công ty, trong đó có thưởng tết vì lý do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trừ chi phí đào tạo.

Thứ hai, liên quan đến BHTN, bạn được hưởng trợ cấp thất nghiệp vì theo điều 49 Luật Việc làm, các điều kiện hưởng BHTN bao gồm:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Về mức trợ cấp BHTN được tính như sau: Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Tức là với trường hợp của bạn, mức hưởng trợ cấp của bạn là 60% bình quân tiền lương 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, giả sử, mức bình quân của tiền lương 6 tháng trước khi thất nghiệp của bạn là 3,5 triệu thì mức hưởng trợ cấp sẽ là 2,1 triệu đồng. Mức hưởng trợ cấp không được vượt quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng nơi mà bạn làm việc.

Về quá trìnhhưởng, bạn được hưởng BHTN theo từng tháng, cụ thể quy định tại khoản 2 điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP như sau:


2. Chi trả trợ cấp thất nghiệp

a) Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên của người lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp;

b) Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động từ tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ 2 trở đi trong thời hạn 05 ngày làm việc, tính từ thời điểm ngày thứ 07 của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động. Trường hợp thời điểm ngày thứ 07 nêu trên là ngày nghỉ thì thời hạn chi trả trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày làm việc tiếp theo.

3. Sau thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ghi trong phiếu hẹn trả kết quả, nếu người lao động không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được coi là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày người lao động không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định, trung tâm dịch vụ việc làm trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

Quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp được trung tâm dịch vụ việc làm gửi: 01 bản đến Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để không chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động; 01 bản đến người lao động. Quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.


Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quyền và nghĩa vụ của NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV: Ngô Thị Ngọc Anh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo