LS Nguyễn Thùy Dương

Quyền lợi lao động nước ngoài được hưởng khi làm việc ở Việt Nam

Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì được hưởng những quyền lợi gì? Có khác gì với lao động Việt Nam không ?

 

Câu hỏi yêu cầu tư vấn: Chào luật sư, tôi có 1 vấn đề nhờ luật sư tư vấn giúp ạ. Tôi được biết theo luật lao động 1/1/2016 người Đài Loan sẽ được nghỉ 8 buổi/tháng, 40 tiếng/tuần. Bạn tôi là người Đài Loan sang Việt Nam làm việc đã đươc 2 năm. Sang Việt Nam làm việc mà không hề ký bất cứ 1 hợp đồng hay giấy tờ gì với chủ lao động cả. Hiện tại, anh làm cả thứ 7 ở Việt Nam, mỗi  ngày đều làm 9 tiếng. Vậy với thời gian làm việc ấy, bạn tôi có được tính tăng ca theo bên Đài Loan không? Nếu có, mà chủ lao động không tính tăng ca  thì chủ lao động có bị xử phạt gì không? Bên Đài Loan có quy định làm việc trong công ty trong thời gian bao lâu mới được tăng lương không? Nếu bạn tôi sang Việt Nam làm việc 2 năm thì có quyền yêu cầu chủ lao động tăng lương được không? Vì bạn tôi làm việc đã lâu mà không được tăng lương. Khi người lao động nước ngoài sang Việt Nam làm việc thì được hưởng những quyền lợi gì từ chủ sử dụng lao động? Rất mong luật sư giải đáp giúp. Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Khoản 2 Điều 169 Bộ luật lao động 2012  quy định: “Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác và được pháp luật Việt Nam bảo vệ”. Như vậy, về cơ bản, quyền và nghĩa vụ của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tương tự như người lao động Việt Nam làm việc trong nước quy định tại Điều 5 Bộ luật lao động 2012. Bạn của bạn làm việc ở Việt Nam thì sẽ phải tuân theo pháp luật Việt Nam, không thể chiểu với pháp luật Đài Loan được.

 

Thứ nhất, về thời giờ làm việc.

 

Điều 104, Bộ luật lao động 2012 quy định:

 

1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.

 

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .

 

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ

 

Như vậy với thời gian làm 9 tiếng /ngày và 6 ngày /tuần thì công ty của bạn bạn đã vi phạm luật lao động về thời giờ làm việc. Biện pháp xử phạt được quy định tại điểm a, khoản 3, điều 14 Nghị định  Số 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

 

Điều 14. Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

 

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

 

a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động;

 

Bởi vì không có hợp đồng lao động nên việc thời gian đó có được tính là thời gian tăng ca không thì phải xem lại điều lệ công ty quy định về thời giờ làm việc chính thức như thế nào? Do thời gian  làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

 

Thứ hai, yêu cầu tăng lương

 

Bạn của bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu tăng lương nếu cảm thấy mình làm tốt công việc và mức lương là chưa phù hợp với công sức bỏ ra cho công việc. Đây là việc tự do ý chí thỏa thuận giữa hai bên, pháp luật không can thiệp.

 

Bên cạnh đó, có những vấn đề pháp lý liên quan tới lao động nước ngoài mà bạn cần lưu ý:

 

- Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chỉ có thể ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn, và tối đa là 2 năm, quy định tại Nghị định 11/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của bộ luật lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

 

- Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam hiện nay chưa được tham gia bảo hiểm xã hội mà theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, từ ngày 1/1/2018  người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bắt đầu được tham gia bảo hiểm xã hội.

 

- Người lao động nước ngoài tại Việt Nam hiện nay không được phép tham gia tổ chức công đoàn bởi tổ chức công đoàn là tổ chức chính trị- xã hội nằm là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Luật công đoàn 2012  quy định về quyền gia nhập công đoàn:

 

Điều 5. Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn

 

1. Người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quyền lợi lao động nước ngoài được hưởng khi làm việc ở Việt Nam. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Cv Nguyễn Thùy Dương - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo