Hoàng Thị Kim Lý

Quyền lợi khi được hưởng trợ cấp 1 lần mai táng đối với người có công với cách mạng

Quyền lợi khi tham gia Hội Cựu chiến binh và khi được hưởng trợ cấp 1 lần đối với người có công với Cách mạng. Có mất đi những quyền lợi khi không tham gia nữa hay không?

 

Bố em trước đây có tham gia kháng chiến ở Campuchia, đã hưởng chế độ trợ cấp một lần của Nhà nước đối với những người có công. Có quyết định hưởng trợ cấp một lần (trong quyết định có nêu rõ về chế độ mai táng phí khi người có công mất). Hiện tại, bố em vẫn tham gia hội cựu chiến binh của xóm nhưng vì lý do sức khỏe nên bố không muốn tham gia nữa. Luật sư cho em hỏi, khi bố em không tham gia hội cựu chiến binh nữa thì mọi chế độ đối với quyết định trợ cấp mai táng phí dành cho người có công vẫn không thay đổi chứ ạ. Hội cựu chiến binh và quyết định trợ cấp 1 lần đối với người có công có liên quan gì với nhau không? Và nếu tiếp tục tham gia hội cựu chiến binh của xóm thì bố em sẽ được hưởng những quyền lợi ? Nếu không tham gia nữa thì sẽ mất đi những quyền lợi gì?

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh gia chúng tôi, với vấn đề của bạn công ty tư vấn như sau:

 

Căn cứ Điều 3 Pháp lệnh cựu chiến binh năm 2005

 

“Điều 3. Hội cựu chiến binh Việt Nam

 

Hội Cựu chiến binh Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đại diện ý chí, nguyện vọng của Cựu chiến binh, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.”

 

Điều 7 Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng

 

“Điều 7. Chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

 

1. Người có công với cách mạng thuộc hai đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 trở lên được hưởng trợ cấp, phụ cấp đối với từng đối tượng, các chế độ khác được hưởng mức ưu đãi của một đối tượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 10, khoản 5 Điều 26 và khoản 5 Điều 33 của Pháp lệnh này;

 

2. Người có công với cách mạng chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng, trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng theo chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Trường hợp người có công với cách mạng thuộc hai đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 của Pháp lệnh này trở lên chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất của một đối tượng. Trường hợp thân nhân hưởng trợ cấp tiền tuất của hai đối tượng người có công với cách mạng trở lên mà thuộc diện được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng thì được hưởng thêm một suất trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng;

 

3. Người có công với cách mạng, thân nhân quy định tại điểm e khoản 2 Điều 14 và khoản 2 Điều 27 của Pháp lệnh này chết thì người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí theo mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Trường hợp các đối tượng quy định tại khoản này đồng thời là đối tượng điều chỉnh của Luật bảo hiểm xã hội thì mai táng phí do Bảo hiểm xã hội chi trả.”

 

Điều 5 Nghị định số 150/2006 NĐ-CP quy định và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh cựu chiến binh như sau:

 

“Điều 5. Quyền lợi của Cựu chiến binh

 

1. Cựu chiến binh thuộc đối tượng người có công với cách mạng được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật về ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

...

5. Cựu chiến binh thuộc diện nghèo theo chuẩn do Chính phủ quy định được:

 

a) Ưu tiên cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế;

 

b) Ưu tiên vay các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách - xã hội để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm xoá đói, giảm nghèo; chính quyền địa phương, Ngân hàng chính sách - xã hộicó trách nhiệm tạo điều kiện để Cựu chiến binh được vay vốn ưu đãi theo quy định của pháp luật.

 

6. Cựu chiến binh đã tham gia kháng chiến từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước không thuộc diện bảo hiểm y tế bắt buộc, được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh theo các quy định và chế độ bảo hiểm y tế hiện hành.

...

8. Cựu chiến binh khi chết được chính quyền, cơ quan, đơn vị, đoàn thể địa phương phối hợp với Hội Cựu chiến binh và gia đình tổ chức tang lễ. Nghi thức tổ chức và phân cấp tổ chức tang lễ, mai táng phí, các chế độ, chính sách khác thực hiện theo quy định hiện hành do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện.

 

9. Cựu chiến binh trong biên chế làm công tác Hội Cựu chiến binh được Hội cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo quy định hiện hành, được tham gia thi tuyển vào các trường đào tạo của trung ươn, địa phương để nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Hội. Kinh phí đào tạo do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo chế độ đào tạo cán bộ, công chức hiện hành.

 

10. Cựu chiến binh được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.”

 

Như vậy, quyền lợi khi tham gia Hội cựu chiến binh và khi được hưởng quyết định trợ cấp 1 lần đối với người có công là 2 quyền lợi riêng biệt nhau: khi tham gia Hội cựu chiến binh, cha của bạn sẽ được hưởng những lợi ích của một cựu chiến binh theo Điều 5 Nghị định nêu trên; quyết định trợ cấp đối với người có công là một chế độ ưu đãi do Nhà nước quy định cho người có công với cách mạng mà cha của bạn cũng được hưởng khi tham gia chiến tranh, mà không nhất thiết phải tham gia vào Hội cựu chiến binh mới được hưởng quyền lợi này.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Thị Hằng Nga - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo