Cà Thị Phương

Quyền lợi của người lao động khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng luật

Tôi và công ty đang làm việc ký kết hợp đồng dài hạn, hiện công ty đang thiếu tôi 8 tháng tiền lương (tôi vẫn đang công tác tại công ty) và chưa mua bảo hiểm xã hội cho tôi. Xin hỏi trường hợp này tôi có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và quyền lợi của tôi ra sao? Xin cảm ơn.

 

Quyền lợi của người lao động khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng luật

Tư vấn thắc mắc về chấm dứt hợp đồng lao động


Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi của mình về cho Luật Minh Gia, về vấn đề của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Về vấn đề bạn muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Bạn và công ty bạn đang ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, bạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ song khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bạn phải có trách nhiệm báo cho người sử dụng lao động biết trước 45 ngày theo quy định tại khoản 3 điều 37 Bộ luật lao động năm 2012:

"Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này".


Khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật, quyền lợi của bạn sẽ được hưởng theo quy định tại khoản 1 điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.

"Điều 14. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm

1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 Điều 36 và người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Lao động".


Điều 48 Bộ luật lao động năm 2012 như sau:

“Điều 48. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc”.


Như vậy, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật, bạn sẽ được trợ cấp thôi việc, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Trường hợp bạn đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì khoảng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính vào thời gian hưởng trợ cấp thôi việc.

Về việc công ty đang nợ bạn 8 tháng tiền lương, công ty đã vi phạm nguyên tắc trả lương theo quy định tại điều 96 Bộ luật lao động năm 2012. Theo đó, ngoài việc phải trả khoản lương mà công ty chậm trả cho bạn thì công ty phải trả thêm cho bạn một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương:

“Điều 96. Nguyên tắc trả lương

Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương”.


Bên cạnh đó do vi phạm quy định về tiền lương nên theo quy định tại khoản 3 điều 13 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì công ty sẽ bị xử phạt hành chính như sau:

"Điều 13. Vi phạm quy định về tiền lương

3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật Lao động; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm cho người lao động thấp hơn mức quy định tại Điều 97 của Bộ luật Lao động; khấu trừ tiền lương của người lao động trái quy định tại Điều 101 của Bộ luật Lao động; trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên".


Về vấn đề bảo hiểm xã hội, theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 thì hợp đồng lao động của bạn là hợp đồng lao động không xác định thời hạn nên bạn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc,

"1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên";


Ở đây, nếu hằng tháng công ty vẫn trích tiền lương của bạn để nộp bảo hiểm xã hội mà không nộp thì khi chấm dứt hợp đồng lao động bạn có quyền yêu cầu công ty trả lại cho bạn số tiền đó. Ngoài ra công ty còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3 điều 28 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

"Điều 28. Vi phạm các quy định khác về bảo hiểm xã hội

3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không lập hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng;

b) Không lập hồ sơ hoặc văn bản đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội: Giải quyết chế độ hưu trí trước 30 ngày, tính đến ngày người lao động đủ điều kiện nghỉ việc hưởng hưu trí; giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ của người lao động;

c) Không giới thiệu người lao động đi giám định suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động".

 

Trân trọng !
CV : Nguyễn Thùy - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo