Lò Thị Loan

Quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp nợ BHXH?

Doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hay không? Trường hợp doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động thì giải quyết như thế nào? Người lao động có thể yêu cầu doanh nghiệp trả cho họ số tiền tương ứng với tiền đóng bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc không? Nội dung hỏi và trả lời tư vấn như sau:

 

Câu hỏi:

 

Tôi có một câu hỏi xin được tư vấn như sau: Năm 2005 tôi làm việc tại công ty A, có tham gia bảo hiểm xã hội đến 2008 nhưng chưa được cấp sổ bảo hiểm do kế toán mới làm đến thủ tục đăng ký. Năm 2009 thì doanh nghiệp nợ bảo hiểm. Cuối năm 2009 tôi chuyển việc sang công ty B và công ty B có mở sổ bảo hiểm mới cho tôi vì công ty A chưa có sổ và không chốt được số liệu.
Vậy tôi xin hỏi làm thế nào để tôi có thể nối được phần tham gia BHXH từ năm 2005 đến năm 2008. Tôi xin cảm ơn.

Trả lời: Chào bạn, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo như thông tin bạn cung cấp thì mặc dù bạn làm việc tại công ty A từ năm 2005 và thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng công ty chưa hoàn thành thủ tục xin cấp sổ bảo hiểm xã hội cho bạn và chưa đóng bảo hiểm xã hội đối với cơ quan bảo hiểm xã hội có thẩm quyền.

Do đó để nối phần tham gia BHXH từ năm 2005 đến năm 2008 thì công ty của bạn đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho cơ quan bảo hiểm xã hội và việc đóng này phải được ghi nhận trong sổ BHXH. Hoặc trong trường hợp công ty có khó khăn thì phải có văn bản gửi cơ quan BHXH cam kết trả đủ tiền nợ BHXH, BHYT (bảo hiểm y tế) và thực hiện đóng trước BHXH, BHYT đối với người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH, người lao động thôi việc để giải quyết chế độ BHXH và chốt sổ BHXH. Trường hợp này thì giám đốc BHXH tỉnh xem xét, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác nhận thực trạng khó khăn của doanh nghiệp để giải quyết. ( theo điểm đ khoản 1 Điều 62 Quyết định 1111/QĐ-BHXH và hướng dẫn tại Công văn 856/LĐTBXH-BHXH).

Nếu công ty không làm theo thủ tục trên thì bạn không được nối phần tham gia BHXH từ năm 2005 đến năm 2008.

Đối với hành vi không đóng bảo hiểm xã hội, chậm đóng bảo hiểm xã hội của công ty bạn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP:

"2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này."

 

Trân trọng!
CV: Nguyễn Ngọc - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo