Nguyễn Ngọc Ánh

Quyền lợi của cán bộ, công chức sau khi đơn vị giải thể

Chào luật sư. Tôi là công chức Đảng đoàn thể nhưng được phân công làm việc tại đơn vị sự nghiệp trực thuộc có thu, Hiện tại theo đề án tinh giản biên chế, đơn vị tôi đang công tác thực hiện việc giải thể để sát nhập theo đề án. Đơn vị chủ quản ra quyết định giải thể từ tháng 5/2016, tuy nhiên đến nay vẫn chưa sắp xếp công việc cũng như chế độ cho chúng tôi (từ tháng 5/2016).

 

Nội dung yêu cầu: Tôi muốn hỏi: - Hiện tại chúng tôi là công chức hay viên chức (vì không có bất cứ văn bản nào công nhận chúng tôi là viên chức, QĐ tăng lương trong khoảng thời gian chúng tôi công tác tại đơn vị SN vẫn là mã ngạch công chức) - Sau khi có quyết định giải thể đơn vị SN ai sẽ giải quyết chế độ cho chúng tôi trong khoảng thời gian chờ sắp xếp công việc theo đúng đề án. Trân trọng cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của anh được tư vấn như sau:

 

 

 

Khái niệm công chức, viên chức được quy định tại Điều 2 Luật viên chức 2010; Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2008 và được hướng dẫn tại Nghị định số 29/2012/NĐ – CP và Nghị định số 06/2010/NĐ – CP.

 

Điều 2 Luật viên chức 2010 quy định: “Viên chức Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.

 

Điều 4 Luật cán bộ, công chức 2008 quy định: “... 2. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.

 

Vậy, để xác định anh thuộc diện công chức hay viên chức thì anh cần nghiên cứu, bám sát các quy định trên.

 

Tiếp theo, quy định về việc tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

 

Khoản 3 Điều 3 Nghị định 55/2012/NĐ- CP quy định về điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập như sau:

 

“...3. Điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

 

Việc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện khi có một trong các điều kiện sau:

 

a) Không còn chức năng, nhiệm vụ;

 

b) Ba năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoạt động không có hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền thành lập;

c) Theo yêu cầu sắp xếp về tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập để phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

 

Vậy, khi có 1 trong 3 điều kiện nêu trên thì đơn vị sự nghiệp lập tờ trình, đề án trình cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải thể. Nội dung đề án bắt buộc phải bao gồm 4 nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định trên, trong đó có nội dung về phương án xử lý các vấn đề về nhân sự, tổ chức bộ máy, tài chính, tài sản, đất đai và các vấn đề khác có liên quan.

 

Điều 14. Đề án, tờ trình tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

 

1. Nội dung đề án và tờ trình đề án tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, gồm:

 

a) Sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc tổ chức lại, giải thể;

 

b) Phương án xử lý các vấn đề về nhân sự, tổ chức bộ máy, tài chính, tài sản, đất đai và các vấn đề khác có liên quan;

 

c) Các văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác nhận về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản vay, nợ phải trả và các vấn đề khác có liên quan (nếu có).

 

d) Quy định trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và các cá nhân có liên quan đối với việc thực hiện phương án tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và thời hạn xử lý.

 

2. Trình tự, thủ tục tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện như đối với việc thành lập đơn vị sự nghiệp công lập”.

 

Như vậy, để giải quyết triệt để quyền lợi của các nhân viên cần phải căn cứ vào nội dung đề án đã trình Cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt. Bởi, trước khi quyết định cho giải thể đơn vị thì bắt buộc phải thông qua thủ tục thẩm định, thẩm định giữ vai trò xác định tính đúng đắn, tính khả thi và hợp pháp của các nội dung trong đề án, trong đó có phương án xử lý các vấn đề về nhân sự.

 

Trường hợp quyền lợi không được bảo đảm sau khi đơn vị bị giải thể thì anh có quyền gửi văn bản tới cơ quan có thẩm quyền quy định tại Chương III Nghị định 55/2012/NĐ – CP để được tiếp nhận và giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng

Phòng tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo