Luật sư Dương Châm

Quy trình giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ

Về nguyên tắc thì việc giải quyết khiếu nại phải đảm bảo tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời và đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định của pháp luật. Vậy, hiện nay trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính được pháp luật quy định như thế nào? Bài viết dưới đây Luật Minh Gia sẽ làm rõ vấn đề này:

1. Luật sư tư vấn về cán bộ, công chức

Giống như với người lao động, Luật cán bộ, công chức cũng có quy định về quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, các vấn đề về lương, nghỉ việc, hưu tri, xử lý kỷ luật. Ngoài ra, còn có thêm các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, nâng ngạch, nâng lương, cho thôi việc… Nếu bạn gặp khó khăn hoặc không hiểu bất kỳ vấn đề pháp lý nào, đừng ngần ngại hãy liên lạc với chúng tôi qua hotline 1900.6169 để được hỗ trợ các vấn đề pháp lý như:

- Tư vấn các quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức;

- Tư vấn về tuyển dụng, nâng ngạch, nâng lương đối với công chức;

- Tư vấn về các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức;

- Tư vấn về chế độ sau nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức.

2. Giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ

Câu hỏi tư vấn: Xin chào Luật Minh Gia, tôi có câu hỏi xin được luật sư tư vấn. Cơ quan tôi gần đây có ra quyết định kỷ luật cho 1 cán bộ vi phạm trong việc phát tán thông tin chưa được kiểm chứng. Người bị kỷ luật đó cho rằng việc kỷ luật là không đúng và có đơn khiếu nại lên cấp trên. Sau khi nhận được đơn khiếu nại thì cấp trên đã chuyển lại cho cơ quan tôi yêu cầu giải quyết. Như tôi được biết thì nếu có đơn khiếu nại thì người làm đơn phải gửi đến nơi ra quyết định kỷ luật. Còn cơ quan cấp trên nếu không đủ điều kiện giải quyết thì cần hướng dẫn người đó gửi đúng đến nơi ra quyết định kỷ luật. Vậy tôi muốn hỏi luật sư là trong trường hợp này cơ quan tôi phải giải quyết như thế nào ạ? Trân trọng cảm ơn!

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Với vấn đề của bạn, công ty xin tư vấn như sau:

Về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ căn cứ từ Điều 5 đến Điều 23 Thông tư 07/2013/TT-TTCP thì tổ chức của bạn phải giải quyết đơn khiếu nại quyết định kỷ luật theo trình tự các bước sau:

Bước 1: Thụ lý giải quyết khiếu nại

Nếu đơn khiếu nại không thuộc một trong các trường hợp sau thì được thụ lý giải quyết:

- Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định;

- Quyết định kỷ luật bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;

- Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;

- Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại;

- Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại;

- Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng;

- Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

- Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại;

- Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án.

Sau khi thụ lý, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của tổ chức bạn thông báo việc thụ lý bằng văn bản đến người khiếu nại và tổ chức cấp trên (nơi đã chuyển đơn khiếu nại).

Bước 2: Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại

- Sau khi thụ lý khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải kiểm tra lại quyết định kỷ luật cán bộ bị khiếu nại.

- Nội dung kiểm tra lại bao gồm:

+ Căn cứ pháp lý ban hành quyết định kỷ luật cán bộ;

+ Thẩm quyền ban hành quyết định kỷ luật cán bộ;

+ Nội dung của quyết định kỷ luật cán bộ;

+ Trình tự, thủ tục ban hành, thể thức và kỹ thuật trình bày quyết định kỷ luật cán bộ;

+ Các nội dung khác (nếu có).

- Sau khi kiểm tra lại quyết định kỷ luật, nếu thấy nội dung khiếu nại đã rõ thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại yêu cầu Hội đồng kỷ luật cán bộ, công chức xem xét để đề nghị người có thẩm quyền giải quyết.

Bước 3: Quyết định việc giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại, quyết định xác minh nội dung khiếu nại.

- Người giải quyết khiếu nại tự mình xác minh hoặc giao cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của mình tiến hành xác minh nội dung khiếu nại. (Quyết định giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại thực hiện theo Mẫu số 03-KN ban hành kèm theo Thông tư 07/2013/TT-TTCP).

Nếu cần thiết có thể thành lập Đoàn xác minh hoặc Tổ xác minh nội dung khiếu nại.

* Kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại

Trường hợp thành lập Tổ xác minh thì Tổ trưởng Tổ xác minh có trách nhiệm lập kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại.

Kế hoach xác minh nội dung khiếu nại gồm:

- Căn cứ pháp lý để tiến hành xác minh;

- Mục đích, yêu cầu của việc xác minh;

- Nội dung xác minh;

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân phải làm việc để thu thập, xác minh các thông tin, tài liệu, bằng chứng;

- Các điều kiện, phương tiện phục vụ cho việc xác minh;

- Dự kiến thời gian thực hiện từng công việc, nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên; thời gian dự phòng để xử lý các công việc phát sinh;

- Việc báo cáo tiến độ thực hiện;

- Các nội dung khác (nếu có).

Bước 4: Công bố quyết định xác minh nội dung khiếu nại

Người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh thực hiện việc công bố quyết định xác minh nội dung khiếu nại tại tổ chức của người bị khiếu nại.

Thành phần tham dự buổi công bố gồm: Người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh, người khiếu nại, người bị khiếu nại hoặc người đại diện của người khiếu nại, của người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Việc công bố quyết định xác minh nội dung khiếu nại được lập thành biên bản có chữ ký của người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh, người khiếu nại, người bị khiếu nại hoặc người đại diện của người khiếu nại, của người bị khiếu nại.

Biên bản được lập thành ít nhất ba bản giao một bản cho bên khiếu nại, một bản cho bên bị khiếu nại và bản lưu hồ sơ giải quyết khiếu nại.

Bước 5: Làm việc trực tiếp với người khiếu nại, người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người khiếu nại; người bị khiếu nại; yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng.

* Làm việc với người khiếu nại, người đại diện, người được ủy quyền… của người khiếu nại

Người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng gồm:

- Thông tin về nhân thân;

- Thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại.

Nội dung làm việc được lập thành biên bản, ít nhất hai bản, mỗi bên giữa một bản. Biên bản làm việc thực hiện theo Mẫu số 05-KN ban hành theo Thông tư 07/2013/TT-TTCP.

Trường hợp không làm việc trực tiếp vì lý do khách quan thì người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh có văn bản yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, làm chứng để làm rõ nội dung khiếu nại. Việc cung cấp thông tin thực hiện trong 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

* Làm việc trực tiếp với người bị khiếu nại

- Người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh làm việc trực tiếp và yêu cầu người bị khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến quyết định kỷ luật.

- Nội dung làm việc được lập thành biên bản, ít nhất hai bản, mỗi bên giữ một bản. Biên bản theo Mẫu số 05-KN.

Việc cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng, văn bản giải trình được thực hiện trong 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

* Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng

Người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh gửi văn bản yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại.

Nội dung được lập thành biên bản, ít nhất hai bản, có chữ ký của các bên. Biên bản theo Mẫu số 05-KN.

Bước 6: Tiếp nhận, xử lý thông tin, tài liệu, bằng chứng

Khi tiếp nhận các thông tin trên thì người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh phải lập Giấy biên nhận theo Mẫu số 07-KN và kiểm tra tính xác thực của thông tin, tài liệu đã thu thập được.

Bước 7: Báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại

Người có trách nhiệm xác minh hoặc Tổ trưởng Tổ xác minh phải báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại bằng văn bản với người giải quyết khiếu nại hoặc người ban hành quyết định thành lập Tổ xác minh.

Bước 8: Tổ chức đối thoại

Trong quá trình giải quyết, người giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật lần đầu, lần hai phải tổ chức đối thoại để đối chiếu giữa yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại.

Bước 9: Ban hành, gửi, công khai quyết định giải quyết khiếu nại

Quyết định giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức lần đầu được thực hiện theo quy định tại Điều 54 Luật khiếu nại; Quyết định giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức lần hai được thực hiện theo quy định tại Điều 56 Luật khiếu nại.

Gửi quyết định giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ lần đầu cho người khiếu nại và cơ quan, tổ chức hữu quan. Quyết định giải quyết lần hai thì gửi cho người khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ban hành.

Đối với giải quyết khiếu nại lần hai thì công khai quyết định giải quyết như sau:

- Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị khiếu nại công tác.

- Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ, tổ chức đã giải quyết khiếu nại ít nhất 15 ngày.

- Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng ít nhất 15 ngày.

Bước 10: Lập, quản lý hồ sơ giải quyết khiếu nại

Người có trách nhiệm xác minh giúp người giải quyết khiếu nại mở, lập hồ sơ giải quyết khiếu nại; tập hợp những thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại vào trong hồ sơ.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo