Lò Thị Loan

Quy định về khám chữa bệnh đúng tuyến

Luật sư tư vấn quy định về khám chữa bệnh đúng tuyến
Xin chào Luật sư Luật Minh Gia! cho tôi hỏi vấn đề liên quan đến BHYT Cho hỏi: bố Tôi tham gia BHYT, có nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là bệnh viện tuyến huyện, có lần bố tôi nhập viện cấp cứu tại bệnh viện tuyến trung ương khi xuất viện được bác sĩ hẹn tái khám tái khám tại bệnh viện đó(BV tuyến trung ương). Việc bố tôi ra thẳng bệnh viện tuyến trung ương để tái khám có được coi là đúng tuyến hay là trái tuyến. để được hưởng mức hưởng BHYT đầy đủ bố tôi có phải xin giấy chuyển tuyến từ bênh viện tuyến huyện hay không. Mong phản hồi từ Luật sư Luật Minh Gia, tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì bố của bạn đã cấp cứu tại bệnh viện tuyến trung ương sau đó đến bạnh viện này để tái khám, như vậy, đây được coi là trường hợp khám, chữa bệnh không đúng tuyến. Pháp luật quy định về các trường hợp được coi là khám chữa bệnh đúng tuyến như sau:

Điều 11 - Thông tư 40/2015/TT-BYT - Các trường hợp được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế


1. Người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh.

2. Người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã chuyển tuyến đến bệnh viện huyện, bao gồm cả các bệnh viện huyện đã được xếp hạng I, hạng II và bệnh viện y học cổ truyền tỉnh (trong trường hợp bệnh viện huyện không có khoa y học cổ truyền).

3. Người có thẻ bảo hiểm y tế được bệnh viện tuyến huyện, bao gồm cả bệnh viện đã được xếp hạng I, hạng II và bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, viện chuyên khoa, trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh chuyển tuyến đến trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh hoặc bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, viện chuyên khoa tuyến tỉnh cùng hạng hoặc hạng thấp hơn.


4. Trường hợp cấp cứu:

a) Người bệnh được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào. Bác sĩ hoặc y sĩ tiếp nhận người bệnh đánh giá, xác định tình trạng cấp cứu và ghi vào hồ sơ, bệnh án.

b) Sau giai đoạn điều trị cấp cứu, người bệnh được chuyển vào điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã tiếp nhận cấp cứu người bệnh hoặc được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để tiếp tục điều trị theo yêu cầu chuyên môn hoặc được chuyển về nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu sau khi đã điều trị ổn định.

5. Trường hợp người bệnh được chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh có bệnh khác kèm theo, bệnh được phát hiện hoặc phát sinh ngoài bệnh đã ghi trên giấy chuyển tuyến, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi tiếp nhận người bệnh thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh đó trong phạm vi chuyên môn.

6. Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa phương đó tương đương với tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế. Trường hợp địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương thì người tham gia bảo hiểm y tế được lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu.


Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì tái khám không phải là trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến. Hơn nữa cũng không có quy định về chuyển viện từ tuyến huyện lên tuyến trung ương được coi là khám chữa bệnh đúng tuyến. Do đó, theo chúng tôi, trường hợp của bố bạn là khám chữa bệnh không đúng tuyến.

Trong trường hợp này bố bạn chỉ được hưởng 40% chi phí điều trị nội trú căn cứ vào khoản 15 điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế 2008

15. Sửa đổi, bổ sung Điều 22 như sau:

“Điều 22. Mức hưởng bảo hiểm y tế

...

3. Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này theo tỷ lệ như sau, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này:

a) Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;

...


Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quy định về khám chữa bệnh đúng tuyến. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV. Phương Thảo - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo