LS Vũ Thảo

Quy định về hợp đồng thử việc

Em có một câu hỏi muốn nhờ luật sư trả lời giúp em với ạ. Vừa rồi em có đi làm tại một doanh nghiệp tư nhân, sau khi làm việc 3 tuần em đã nghỉ ngang vì cảm thấy không phù hợp. Khi vào làm người phỏng vấn em có nói là thời gian thử việc là 3 tháng và lương 3 triệu 1 tháng, nhưng không có hợp đồng hay giấy tờ về thời gian thử việc này.

 

Công ty có đưa cho em ký 1 tờ biên nhận về việc giữ Bằng gốc của em.Biên nhận có ghi là từ ngày 7/4/2016 em được nhận vào làm nhân viên của công ty và xác nhận đã nhận bằng gốc của em. Trong biên nhận có Lưu ý: Hồ sơ được trả lại khi bên giao hồ sơ nghỉ việc. Nhưng phải đảm bảo đã bàn giao đầy đủ cho người tiếp nhận. Không vi phạm nội quy của doanh nghiệp. Biên nhận đó có đầy đủ chữ ký của cả 2 bên.Bây giờ em xin lấy lại bằng thì bên doanh nghiệp yêu cầu em phải bồi thường mới cho nhận lại vì lý do em vi phạm nội quy của công ty và không bàn giao cho người tiếp nhận trước khi nghỉ việc. Nội quy của công ty:"Điều 10. Khi làm việc tại doanh nghiệp bắt buộc phải nộp các bằng gốc có liên quan. Trường hợp người lao động làm việc tại doanh nghiệp chưa quá thời gian 3 tháng nhưng xin nghỉ việc thì không được hưởng lương còn lại và phải trả lại tiền đào tạo chuyên môn nghiệp vụ 70% tổng thu nhập." Mới làm được 3 tuần nên em chưa nhận đồng lương hay thưởng gì từ công ty và khi vào công ty chỉ có tờ giấy biên nhận, không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh em đang thử việc và lương của em là bao nhiêu. Luật sư cho em hỏi là em nghỉ ngang và vi phạm nội quy của công ty như vậy em có phải bồi thường cho công ty không ạ? Và tổng giá trị bồi thường là bao nhiêu?Mong luật sư gợi ý cho em cách để em lấy lại được bằng gốc với ạ. Em xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn câu hỏi của bạn! Trường hợp của bạn, công ty Luật Minh Gia xin tư vấn như sau:

 

Điều 26 Bộ luật lao động 2012 có quy định về thử việc, theo đó “Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. nếu có thỏa thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc”. Như vậy, thử việc có thể được hai bên giao kết bằng hợp đồng thử việc hoặc có thể không cần hợp đồng. Nếu không giao kết bằng hợp đồng thì người sử dụng lao động cần phải nói rõ về mức lương bạn được nhận và thời gian thử việc.

 

Điều 27. Thời gian thử việc

 

“ Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

 

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

 

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức năng nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

 

3. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác;

 

Điều 28. Tiền lương trong thời gian thử việc

 

“Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.”

 

Theo như bạn nói, công ty bạn thử việc yêu cầu bạn thử việc trong thời hạn 3 tháng tức 90 ngày, như vậy đã vi phạm về thời gian thử việc tối đa theo quy định pháp luật về lao động. Thời gian bạn làm việc 3 tuần vẫn được nhận lương tương ứng.

 

Căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động,  thì người sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi yêu cầu người lao động thử việc quá thời gian quy định.

 

Điều 20.Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động

 

“ 1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

 

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động”

 

Như vậy, việc công ty bạn giữ bằng gốc của bạn là trái pháp luật. Nếu người sử dụng lao động không trả lại cho bạn bằng gốc thì bạn có thể khiếu nại lên cơ quan thanh tra lao động, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, với hành vi này thì người sử dụng lao động có thể sẽ bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng và buộc phải trả lại bằng gốc cho bạn.

 

Khoản 2 Điều 29 Bộ luật lao động 2012 có quy định “Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thỏa thuận”. Như vậy, bạn đang trong quá trình thử việc và theo quy định của pháp luật thì bạn có quyền nghỉ ngang quá trình thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường cho người sử dụng lao động.

 

Công ty của bạn đã có những thỏa thuận trái pháp luật nên bạn có thể nhờ Công đoàn cơ sở can thiệp hoặc làm đơn yêu cầu hòa giải viên lao động cấp quận, huyện tiến hành hòa giải hoặc bạn có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án nơi công ty bạn có trụ sở để xét xử theo quy định.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quy định về hợp đồng thử việc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

Trịnh Hoa - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo