LS Thanh Hương

Đóng BHXH trong thời gian nghỉ không hưởng lương quy định thế nào?

Nghỉ việc không hưởng lương có phải đóng tiền BHXH không, quy định về chế độ bảo hiểm xã hội như thế nào, người lao động có nghĩa vụ gì và rất nhiều vấn đề khác mà bạn phải quan tâm, tìm hiểu nếu thuộc trường hợp vừa nêu và mong muốn quyền lợi của mình được đảm bảo. Hãy nghiên cứu kỹ quy định pháp luật hoặc tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây:

1. Tham gia BHXH trong thời gian nghỉ không hưởng lương quy định thế nào?

Câu hỏi:

Nhờ tư vấn giúp tôi trường hợp người lao động xin nghỉ không hưởng lương thì thủ tục như thế nào và có được người sử dụng lao động đóng BHXH cho hay không?, cụ thể: Hiện nay tôi làm kế toán tại cơ quan nhà nước, do gia đình có việc nên tôi muốn xin nghỉ không hưởng lương khoảng từ 01 đến 03 tháng. Vậy theo luật quy định tôi có được nghỉ không? Cần thủ tục, giấy tờ gì? Đóng BHXH trong thời gian nghỉ không hưởng lương như thế nào? Mong được trả lời sớm từ luật sư tư vấn. Cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Bạn làm theo hợp đồng lao động nên sẽ áp dụng Bộ luật lao động 2012 quy định về nghỉ không hưởng lương tại Khoản 3 Điều 116:

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương. 

Như vậy, bạn muốn nghỉ không hưởng lương từ 1 đến 3 tháng thì phải có sự thỏa thuận với người sử dụng lao động, khi cơ quan đồng ý thì bạn mới được nghỉ. Việc thỏa thuận này là thỏa thuận dân sự nên pháp luật không đưa ra quy định thủ tục cụ thể. Bạn có thể thỏa thuận bằng văn bản về nghỉ việc không hưởng lương.

Về việc đóng BHXH trong thời gian nghỉ việc không hưởng lương được quy định tại Mục 2.2 Khoản 2 Điều 54 Quyết định 1111/QĐ-BHXH:

2.2. Trường hợp số ngày không làm việc và không hưởng tiền lương, dưới 14 ngày trong tháng thì tính đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với đơn vị và người lao động cả tháng đó:

- Người lao động tăng mới thì tính đóng BHXH, BHYT, BHTN từ ngày đầu của tháng chuyển đến làm việc hoặc tháng có hiệu lực của hợp đồng lao động, quyết định tuyển dụng;

- Người lao động ngừng việc, nghỉ việc thì tính đóng BHXH, BHYT, BHTN đến ngày cuối cùng của tháng ngừng việc, nghỉ việc.

Căn cứ vào quy định trên, bạn ngừng việc và không hưởng lương thì chỉ đóng BHXN đến ngày cuối cùng của tháng trước khi bạn xin nghỉ không lương. Tức là trong thời gian nghỉ không lương bạn sẽ không được cơ quan đóng BHXH.

2. Thủ tục chốt sổ BHXH khi công ty cũ đang nợ BHXH

Câu hỏi:

Kính chào Luật Minh Gia, xin phép Quý công ty cho em hỏi: em làm việc ở công ty thứ nhất từ tháng 2/2011 đến 5/2016, từ 3/2015 đến 5/2016, công ty trừ tiền bảo hiểm em nhưng không đóng bảo hiểm xã hội, hiện giờ theo em biết công ty vẫn đang nợ bảo hiểm xã hội với số tiền hơn 2 tỷ đồng. em nghỉ việc từ t5/2016, và xin qua công ty mới, làm việc đến nay thì em chuẩn bị nghỉ việc, nhưng lúc trước nghỉ việc ở công ty thứ nhất, em chưa được chốt sổ do công ty còn đang nợ bảo hiểm. Hiện tại, em muốn chốt sổ ở cty thứ nhất để còn chốt sổ cty thứ hai. Giờ em phải làm gì để chốt sổ được ạ. Em xin cám ơn Quý Công ty nhiều ạ.

Luật sư tư vấn:

Khoản 3.2 điều 46 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định: Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.

Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.

Như vậy, anh/chị có quyền yêu cầu công ty thứ nhất thực hiện việc chốt sổ dựa theo quy định trên. Sau khi chốt sổ thì có thể liên hệ tới công ty thứ hai tiến hành thủ tục chốt sổ tại đó.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo