Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Quy định về bồi hoàn chi phí đào tạo khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Luật sư tư vấn trường hợp khi là sinh viên tôi có ký kết hợp đồng với Sở Y tế với nội dung Sở sẽ chu cấp chi phí học tập, sinh hoạt cho tôi trong toàn bộ quá trình học, sau khi học xong tôi về làm việc theo sự sắp xếp của Sở trong vòng 10 năm, nếu không về làm việc thì phải bồi thường gấp 03 lần chi phí Sở bỏ ra. Vậy nếu tôi chấm dứt hợp đồng thì có phải bồi thường gấp 03 lần chi phí không?

 

Nội dung câu hỏi: Chào luật sư! Tôi hiện là bác sĩ đa khoa mới tốt nghiệp hệ chính quy đại học y dược. Vào năm nhất đại học do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi đã ký kết hợp đồng đào tạo với sở y tế tỉnh. Theo hợp đồng, Sở y tế sẽ chu cấp học phí, phí sinh hoạt trong toàn bộ thời gian tôi học đại học (6 năm). Còn tôi sẽ phải về phục về trong ngành y tế Tỉnh dưới sự phân công của sở y tế ít nhất là 10 năm. Nếu tôi học xong không về phục vụ dưới sự phân công của tỉnh thì sẽ phải bồi thường gấp 3 lần kinh phí Sở đã chi trả trong thời gian tôi học. Hiện tại, tôi được sở phân về làm việc ở trung tâm y tế huyện hẻo lánh, môi trường làm việc không thể giúp tôi học hỏi, nâng cao chuyên môn được nên tôi không muốn làm việc ở đó. Vậy nếu hủy hợp đồng, tôi sẽ phải bồi hoàn chi phí gấp ba lần số tiền Sở đã chi nhưng theo tôi mới đọc được Nghị định 143/2013 của Chính phủ thì tôi chỉ cần bồi hoàn 100% chi phí thôi, điều này là đúng hay sai? Và việc tôi đã ký đồng ý với mức bồi thường này vào lúc 6 năm trước (khi tôi chưa biết rõ về luật) thì bây giờ nếu Sở vẫn bắt buộc đòi bồi thường gấp 3 lần thì tôi có thể khiếu nại được hay không? Nếu được thì tôi sẽ gửi đơn đến đơn vị nào để được xem xét? Sở còn đưa ra lời cảnh cáo là nếu tôi không thi hành đúng sự phân công của Sở thì Sở sẽ gửi đơn lên tất cả các đơn vị y tế ở tỉnh thành khác để không ai nhận tôi vào làm việc, vậy sở có thẩm quyền làm việc đó hay không nếu tôi đã bồi hoàn đúng số tiền được pháp luật quy định? Xin chân thành cảm ơn Luật sư đã tư vấn cho tôi.

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề bồi thường hợp đồng đào tạo

 

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì bạn đã ký kết hợp đồng đào tạo với Sở y tế và cam kết làm việc theo sự sắp xếp của Sở trong vòng 10 năm khi bạn là sinh viên và hiện tại bạn đang làm việc theo hợp đồng lao động với sở Y tế. Như vậy, bạn đã ký hai hợp đồng riêng biệt với Sở Y tế một hợp đồng đào tạo và một hợp đồng lao động. Trong hợp đồng đào tạo có quy định rõ quyền, nghĩa vụ của các bên và trách nhiệm bồi thường chi phí đào tạo trong trường hợp bạn vi phạm hợp đồng.

 

Điều 62 Bộ luật Lao động 2012 quy định về hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề như sau:

 

“1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.

 

Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

 

2. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

 

a) Nghề đào tạo;

 

b) Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo;

 

c) Chi phí đào tạo;

 

d) Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo;

 

đ) Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;

...”

Điều 1 Nghị định số 143/2013/NĐ-CP quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo quy định về đối tượng áp dụng như sau:

 

“1. Nghị định này quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo (sau đây gọi chung là chi phí đào tạo) đối với người học chương trình giáo dục cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ được hưởng học bổng và chi phí đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với nhà nước Việt Nam mà không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp.

 

2. Nghị định này áp dụng đối với:

 

a) Người học được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi học tập ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm cả chương trình giáo dục theo Hiệp định ký kết với nhà nước Việt Nam);

 

b) Người học được tham gia chương trình đào tạo ở trong nước theo các Đề án đặt hàng đào tạo do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

 

c) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện bồi hoàn chi phí đào tạo.

 

3. Nghị định này không áp dụng đối với người học là cán bộ, công chức, viên chức và người học theo chế độ cử tuyển.

 

Khi bạn ký kết thỏa thuận với Sở Y tế, bạn mới là sinh viên, chưa phải công chức, viên chức nên bạn không thuộc phạm vi đối tượng điều chỉnh của Nghị định này. Vì vậy, việc bạn dẫn chiếu quy định tại Nghị định này với trường hợp của mình là không phù hợp.

 

Với trường hợp của bạn do bạn đã cam kết làm việc theo sự phân công của Sở Y tế trong vòng 10 năm sau khi học xong, nếu bạn không làm việc theo cam kết này thì bạn phải có trách nhiệm bồi thường chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Luật lao động 2012 quy định về bồi thường chi phí đào tạo như sau: “3. Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.”

 

Theo quy định này bạn phải bồi thường các khoản chi phí mà Sở Y tế đã bó ra cho bạn học trong vòng 6 năm. Việc bồi thường gấp 03 lần các chi phí là không phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu hai bên không thể thỏa thuận được về vấn đề bồi thường thì bạn có thể yêu cầu Hòa giải viên lao động giải quyết theo quy định tại Điều 201 Luật lao động 2012 hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết nếu trong trường hợp không hòa giải được tại Hòa giải viên lao động theo quy định tại Điều 202 Luật lao động 2012.

 

Thứ hai, về quyền hạn của Sở Y tế

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch 51/2015/TTLT-BYT-BNV quy định về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và phòng y tế thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì Sở Y tế không có quyền gửi đơn lên tất cả các đơn vị y tế ở tỉnh thành khác để yêu cầu họ không nhận người lao động không trả chi phí đào tạo vào bệnh viện trên địa bàn Tỉnh để làm việc.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
CV tư vấn: Nguyễn Nhàn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo