LS Vũ Thảo

Quy định pháp luật về đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người lao động.

Nhiều doanh nghiệp (với tư cách người sử dụng lao động) thường cho rằng họ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, miễn là thông báo trước 30 ngày làm việc đối với loại HĐLĐ xác định thời hạn hoặc 45 ngày làm việc đối với loại HĐLĐ không xác định thời hạn.

Những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, cải cách nhân sự... dẫn đến việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Nhằm giúp cho các doanh nghiệp hiểu luật, phòng tránh rủi ro, loại trừ tranh chấp lao động cũng như giúp cho người lao động hiểu được các quyền và lợi ích của mình khi doanh nghiệp chấm dứt HĐLĐ, Luật Minh Gia xin lưu ý về việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Nếu bạn có bất kỳ thắc nào hãy gửi câu hỏi đến chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169, chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm thông qua tình huống mà Luật Minh Gia tư vấn sau đây:

Câu hỏi: Dear Luật sư. Tôi làm việc 2/12/2019, đang làm việc thư ký tại Công Ty X. Trường hợp của tôi như sau: Khi tôi được nhận vào công ty sau khi phỏng vấn, thì tôi nhận được Offer Letter (sau khi làm việc được 3 tuần hơn), đến nay tôi vừa nhận được tháng lương đầu tiên vào ngày 6/1/2020. Đến nay tôi vẫn chưa được ký hợp đồng thử việc hay được biết đến bất kỳ mô tả công việc nào, nhưng tôi đã nhận được Quyết định ngừng công tác và họ muốn tôi nghỉ việc sau Tết Âm Lịch và nguy cơ tôi sẽ nhận lương cuối cùng vào ngày 06/02/2020. Câu hỏi: Thưa Luật Sư, liệu công ty có đang thực hiện đúng quy trình luật lao động hay không, và trong trường hợp này, tôi có quyền lợi gì nếu vẫn tiếp tục làm việc hay không?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn làm việc tại công ty X từ 02/12/2019. Hiện nay, bạn vẫn chưa được ký hợp đồng thử việc hay hợp đồng lao động nhưng công ty đã gửi Quyết định ngừng công tác và muốn bạn nghỉ việc sau tết âm lịch. Như vậy, để xác định công ty có đang thực hiện đúng theo quy định pháp luật hay không thì cần xác định thỏa thuận giữa bạn và công ty tại thời điểm 02/12/2019 đến nay là thỏa thuận gì?

- Trường hợp giữa bạn và công ty có thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc thì theo Điều 27 Bộ luật lao động 2012 quy định thời gian thử việc như sau:

“Điều 27. Thời gian thử việc

Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.”

Và Điều 29 Bộ luật lao động 2012 quy định kết thúc thời gian thử việc:

“1. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.”

Theo đó, trong thời gian thử việc (không quá 3 ngày, 30 ngày hoặc 60 ngày tùy tính chất và mức độ phức tạp công việc) thì mỗi bên có quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu.

Như vậy, nếu công việc bạn đang làm cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên thì công ty X có thể thỏa thuận thử việc với bạn không quá 60 ngày. Trong thời gian 60 ngày này mà bạn không đạt yêu cầu các bên đã thỏa thuận thì công ty X có quyền hủy bỏ thỏa thuận nghỉ việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

- Trường hợp giữa bạn và công ty X không có thỏa thuận thử việc. Đồng thời các bên có thỏa thuận về việc chi trả tiền lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động và bạn làm việc tại công ty X từ 02/12/2019 thì có thể xác định giữa bạn và công ty X đã phát sinh quan hệ lao động.

Do đó, công ty muốn chấm dứt hợp đồng lao động với bạn thì phải thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 36, 38, 44, 45 Bộ luật lao động 2012. Tuy nhiên, bạn chưa cung cấp cụ thể căn cứ công ty chấm dứt hợp đồng lao động với bạn là gì. Giả sử công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bạn thì phải thực hiện theo quy định tại Điều 38 Bộ luật lao động 2012. Cụ thể:

“Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.”

Như vậy, bạn cần xác định lý do, căn cứ pháp lý mà công ty đang chấm dứt hợp đồng lao động với bạn là gì? Trường hợp trong “Quyết định ngừng công tác” bạn nhận được không thể hiện rõ lý do thì bạn có thể làm đơn kiến nghị đến người đại diện theo pháp luật của công ty để yêu cầu. Nếu công ty chấm dứt hợp đồng lao động với bạn không thuộc một trong các trường hợp liệt kê trên thì việc chấm dứt là không đúng quy định pháp luật. Khi đó, bạn có thể gửi đơn đến Phòng lao động thương binh – xã hội quận (huyện) nơi công ty có trụ sở hoặc làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân quận (huyện) nơi công ty có trụ sở để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo