Luật sư Vũ Đức Thịnh

Quy định pháp luật về điều động cán bộ, công chức

Cán bộ, công chức, viên chức là những ai? Có thể chuyển cán bộ, công chức, viên chức từ cơ quan, đơn vị này sang cơ quan, đơn vị khác không? Trình tự, thủ tục điều động, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức được quy định như thế nào?

1. Luật sư tư vấn về cán bộ, công chức, viên chức

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng tới sự phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt”. Thấm nhuần tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định vị trí, vai trò nòng cốt, chủ đạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc quản lý, tổ chức thực hiện công việc của bộ máy nhà nước các cấp. Để đảm bảo chất lượng của cán bộ, công chức các địa phương ngày càng được nâng cao trên toàn quốc thì cơ quan có thẩm quyền thường có các quyết định như điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ, công chức, viên chức từ cơ quan, tổ chức, đơn vị này đến làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng các hình thức điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ, công chức, viên chức. Trên thực tế, còn nhiều trường hợp việc chuyển cán bộ, công chức, viên chức từ đơn vị này sang đơn vị khác làm việc chưa thực hiên đúng trình tự, thủ tục. Trường hợp bạn cũng đang gặp vướng mắc trong việc điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ, công chức, viên chức hoặc các vấn đề khác trong lĩnh vực lao động thì bạn có thể liên hệ đến Luật Minh Gia để được chúng tôi hỗ trợ.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn dưới đây về Quy định của pháp luật về điều động cán bộ, công chức.

2. Quy định của pháp luật về điều động cán bộ, công chức

Câu hỏi:

Nhờ luật sư tư vấn về Quy định của pháp luật về điều động cán bộ, công chức như sau:  Hiện đang là giáo viên tiểu học tại 1 trường vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Từ khi ra trường (1997) đến nay em chỉ công tác tại đơn vị này và em đã lập gia định tại địa phương này.

Năm học 2015-2016 sắp tới do đơn vị em giảm số lớp nên dư 01 giáo viên và buột phải điều động đi nơi khác. Trong đó là đối tượng bị điều đồng. Nhưng em thắc mắc là khi xét điều động giáo viên thì căn cứ vào tiêu chí nào ? luật nào quy định hay đưa ra hướng dẫn cụ thể không?. Bởi vì so sánh giữa em và các đồng nghiệp khác thì em vượt trội hơn về thành tích chuyên môn, tay nghề, nhiều giấy khen và bằng khen cấp tỉnh và là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh nhiều năm liền trong khi những đồng nghiệp khác thì không có. Ngoài ra thời gian công tác em cũng khá lâu ( 17 năm). Còn nếu xét về điều kiện hoàn cảnh thì em cũng khó khăn hơn những đồng nghiệp khác: Em có con nhỏ ( 40 tháng) trong khi đồng nghiệp khác thì còn độc thân, mới ra trường vài năm, người thì quê quán ở các xã lân cận, không có nhiều thành tích, điều kiện kinh tế thuận lợi...

Vậy xin hỏi luật sư : Nhà trường điều động em đi như vậy có đúng luật không? Tiêu chí để xét điều động là như thế nào? Quy trình xét ra sao? Nhờ luật sư tư vấn, em xin thành thật biết ơn. Thân chào.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

- Thứ nhất, về vấn đề điều động công chức

Tại Điều 35 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức có quy định về Điều động công chức:

“Việc điều động công chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

1. Theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể;

2. Chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật;

3. Theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền”.

- Thứ hai, về tiêu chí xét điều động công chức

Vấn đề này pháp luật không có quy định cụ thể mà tùy thuộc vào từng cơ quan, địa phương sẽ có những quy định riêng.

Do bạn không nói rõ hiện tại bạn công tác ở địa phương nào nên chúng tôi không có căn cứ để tư vấn cho bạn chi tiết trong vấn đề này.

- Thứ ba, về quy trình điều động và xét duyệt

Trình tự, thủ tục để tiến hành việc điều động, thuyên chuyển công tác theo quy định của từng tỉnh.

Hồ sơ thường bao gồm:

+ Đơn xin chuyển công tác (trừ trường hợp điều động theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức);

+ Văn bản đồng ý cho chuyển công tác của cơ quan có thẩm quyền (quyết định điều động);

+ Văn bản đồng ý tiếp nhận của cơ quan chuyển đến;

+ Bản sao các văn bằng chứng chỉ có liên quan.

Hồ sơ nộp tại Sở nội vụ nơi có trụ sở của cơ quan, tổ chức điều động.

----

3. Thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức chuyên môn?

Câu hỏi:

Xin kính chào các anh chị luật sư! Các anh chị cho em hỏi: Ơ một số địa phương đang thực hiện việc định kì chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức theo nghị định 158/2007. Vừa qua Quyết định 98 của bộ chính trị có quy định không luân chuyển cán bộ chuyên môn điều này được hiểu như thế nào? Và công chức có phải định kì chuyển đổi nữa hay không? Rất mong nhận được sự quan tâm trả lời của các anh chị luật sư. Em trân trọng cảm ơn.

Trả lời: Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi đã tư vấn trường hợp tương tự sau đây: 

>> Luật sư tư vấn về điều động viên chức

Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Nghị định 158/2007/NĐ-CP về đối tượng áp dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác:

"1. Nghị định này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau:

a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các tổ chức hành chính trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

b) Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Kiểm toán Nhà nước; Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp; Tòa án quân sự, Viện kiểm sát quân sự các cấp;

c) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;

d) Các cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội từ cấp  xã trở lên;

đ) Các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;

e) Các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty, công ty nhà nước (sau đây gọi chung là doanh nghiệp nhà nước);

g) Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang;

h) Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước.

2. Việc luân chuyển cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ".

Có thể thấy, việc luân chuyển vị trí công tác được thực hiện đối với cả cán bộ, công chức, viên chức. Đối với Quy định 98-QĐ/TW của Bộ chính trị, tại Khoản 3 Điều 2:

"3- Bố trí cân đối, hài hoà giữa luân chuyển cán bộ với việc phát triển nguồn cán bộ tại chỗ. Nói chung, chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ (trừ trường hợp nhằm mục đích tăng cường cán bộ cho cơ sở, cho lĩnh vực hoặc địa bàn cần thiết)".

Như vậy, Quy định 98-QĐ/TW của Bộ chính trị chỉ có chủ trương không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ mà không có quy định về việc luân chuẩn công chức, viên chức. Do đó, đối tượng là công chức vẫn thực hiện việc định kỳ chuyển đổi theo Nghị định 158/2007/NĐ-CP

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo