Luật sư Lê Văn Chức

Phụ cấp thâm niên nhà giáo tính thế nào?

Xin chào Công ty Luật Minh Gia. Em tên Nguyễn Văn D, đã có gọi điện thoại để được tư vấn từ Công ty nhưng cũng chưa hiểu hết nội dung muốn hỏi. Nên nhờ công ty gửi Inbox qua mail giúp em nhé. Nội dung:Trước đây em là giảng viên của một trường trung cấp công lập của tỉnh Bình Định thời gian làm việc như sau :


- ngày 1/9/2005-31/8/2006 thời gian làm việc lần đầu

- 1/9/2006- 1/9/2010 ký hợp đồng không thời hạn

- 17/3/2008 vô biên chế sau đó em nghỉ việc và chuyển sổ BHXH vào trường mới là trường cao đẳng công lập tại TPHCM

- 15/9/2010-15/9/2012 hợp đồng lương khoán từng 6 tháng không đóng BHXH

- 15/9/2012-15/9/2013 ký hợp đồng có đóng BHXH 100% hưởng 100%

- 15/9/2013-15/9/2014 ký hợp đồng có đóng BHXH 100% hưởng 100%

- ngày 1/1/2014 vào biên chế cho đến nay.

Cho em hỏi:

1) Đến thời điểm này thì em được hưởng phụ cấp thâm niên chưa ? Mức phụ cấp là bao nhiêu?

2) Cơ quan nói với em thời điểm tính phụ cấp thâm niên cho em là thời gian sau khi làm việc tại trường Cao đẳng là 5 năm có đúng không ?. và nói thời gian được hưởng phụ cấp thâm niên là thời gian làm trong biên chế có đúng ko ?

3) Khi vào biên chế 1/1/2014, nếu tính số năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được 5 năm( trừ thử việc). Vậy năm 2014, 2015,2016  em có được hưởng phụ cấp thâm niên không ?Kinh nhờ công ty tư vân giúp em. Em xin chân thành cảm ơn 

Nội dung tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với những thắc mắc của bạn, chúng tôi xin đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

Tại  Điều 1 Nghị định Số: 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH quy định về đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong ngành nhà giáo như sau:

1. Khoản 1 Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật)”.

Điều 1 tại Nghị định mới trên đã thay thế Điều 1 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH: Hướng dẫn về đối tượng và phạm vi áp dụng quy định tại Điều 1 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP

“1. Nhà giáo trong biên chế, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật)”.

Như vậy, quy định “nhà giáo trong biên chế” được bãi bỏ nên thời gian bạn làm việc theo hợp đồng lao động trước khi được vào biên chế vẫn được tính là thời gian để tính phụ cấp thâm niên.

Đồng thời,  tại Điều 2 Nghị định số: 54/2011/NĐ-CP về điều kiện, thời gian tính hưởng và thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên:

"1. Điều kiện được tính hưởng phụ cấp thâm niên

Nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên.

2. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên

a) Thời gian giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục.

b) Thời gian hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành nghề khác được cộng dồn với thời gian quy định tại điểm a khoản này để tính hưởng phụ cấp thâm niên.

3. Thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên

a) Thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu".

…”.                           

Tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH quy định:

“Điều 2. Hướng dẫn về thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên, mức hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại Điều 2, Điều 3 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP

1. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau:

a) Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập;

b) Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập);
…”.

Như vậy chỉ có khoảng thời gian từ ngày 1/9/2005 đến 31/8/2006  và khoảng thời gian từ 15/9/2010-15/9/2012  là khoảng thời gian mà bạn không được tính phụ cấp thâm niên. Khoảng thời gian còn lại đã được 6 năm nên bạn hoàn toàn đủ điều kiện hưởng phụ cấp thâm niên.

Mức phụ cấp thâm niên đượctính theo quy định tại Điều 3 Nghị định 54/2011/NĐ-CP quy định về mức trợ cấp:

“Nhà giáo đủ 5 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.
 
Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.”

Theo đó, từ ngày 15/9/2013 đến ngày 15/9/2014 phụ cấp thâm niên của bạn sẽ được tính là 5%, từ ngày 15/9/2014 đến ngày 15/9/2015 phụ cấp thâm niên là 6%, từ ngày 15/9/2015 đến 15/9/2016 là 7%, bạn có thể tính tương tự cho những năm về sau, mỗi năm tăng thêm 1%.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Phụ cấp thâm niên nhà giáo tính thế nào?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV: Tạ Nga - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo