Vũ Thanh Thủy

Phải bồi thường khi chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Luật sư tư vấn về trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với bệnh viên. Cụ thể như sau:

 

Em xin chào Luật Minh Gia. Xin Luật Sư cho Em Hỏi ạ. Tháng 4/2016 Em kí HDLD không xác định thời hạn với 1 bệnh viện. (BV giữ bản gốc, Bằng Đại Học, Chứng Chỉ Hành Nghề-- Nghề của Em là Bác Sĩ). Mức lương ghi trong hợp đồng là" lương cơ bản". Mức lương ghi trong Phụ lục Hợp đồng là" 6 triệu/ tháng, 26 ngày, 8h/ ngày". Em không được Bv cử đi học trong quá trình công tác. Trong Phụ lục Hợp Đồng có phần: Nếu bên B đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không có sự đồng ý của bên A thì bên B phải đền bù khoản " CHÊNH LỆCH" giữa lương thực tế bên A đưa cho bên B (6 triệu) -- với mức lương theo nghạch bậc trong BV tuyến công lập ( tức gần 3 tr/ tháng, nếu không tính phụ cấp nghành y học). Tức là phải đền bù khoảng hơn 3tr/ tháng. {{Như vậy là, nếu em đơn phương chấm dứt HDLD mà không có sự đồng ý của bên A, dù có làm bao nhiêu năm, chưa đến tuổi nghỉ hưu, thì vẫn phải đền bù khoản Chênh Lệch.}} Tháng 10/2017 Em viết đơn nghỉ việc, nhưng không đợi đủ 45 ngày theo quy định( từ ngày viết đơn đến hôm nghỉ là 5 ngày). Vậy em xin hỏi: Bệnh Viện quy định mức lương trong hợp đồng như vậy là đúng hay sai ạ? Phần đền bù khoản Chênh lệch lương Trong phụ lục HDLD có đúng theo quy định pháp luật không ạ? Em phải đền bù những khoản tiền nào? Liệu có phải đền bù khoản Chênh Lệch lương hay không ạ? Em phải làm thủ tục gì để lấy lại giấy tờ gốc ạ? Em xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với tình huống của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về mức lương trong hợp đồng thỏa thuận giữa bạn và bệnh viện

 

Căn cứ 90 Bộ luật Lao động 2012 quy định:

 

Điều 90. Tiền lương

 

1. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.

 

Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

 

Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

 

2. Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc.

 

3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.

 

Theo thông tin cung cấp thì trong hợp đồng lao động hai bên đã thỏa thuận với nhau về mức tiền lương là 6 triệu/tháng. Theo như quy định của pháp luật thì tiền lương do các bên tư thỏa thuận với nhau căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc của người lao động, tuy nhiên mức lương mà người sử dụng chi trả không được thấp hơn mức lương tối thiểu do nhà nước quy định. Như vậy, mức lương của bệnh viện trả bạn là hoàn toàn hợp lý.

 

Thứ hai, về đề bồi thường khi bạn chấm dứt hợp đồng lao động

 

Vì hợp đồng lao động của bạn là hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì nếu muốn chấm dứt hợp đồng lao động với bên bệnh viện thì bạn phải thực hiện nghĩa vụ thông báo cho phía bên người lao động 45 ngày theo khoản 3 Điều 37 Bộ Luật lao động 2012. Do đó nếu bạn không thông báo theo đúng quy định trên mà tự ý nghỉ việc thì sẽ là chấm dứt trái pháp luật.

 

Điều 43 BLLĐ 2012 quy định về Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau:

 

1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

 

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

 

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.

 

Như vậy, bạn sẽ không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho bệnh viện nửa tháng tiền lương của hợp đồng lao động.

 

Ngoài ra do bạn vi phạm về thời hạn báo trước nên cũng phải bồi thường một khoản tiền cho những ngày không thông báo trước. Còn vấn đề bồi thường chênh lệch thì do các bện tự thỏa thuận với nhau và vấn đề thỏa thuận này không trái với quy định của pháp luật nên hoàn toàn hợp pháp.

 

Thứ ba, thủ tục lấy lại giấy tờ

 

Điều 47 BLLĐ 2012 quy định về Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

 

"1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

 

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

 

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

 

4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán."

 

Như vậy, theo quy định trên thì trong thời hạn 7 ngày phía bên bệnh viên phải tiến hành trả lại toàn bộ giấy tờ cho bạn. Tuy nhiên, sau 7 ngày thì người sửu dụng lao động không thực hiện việc hoàn trả các giấy tờ mà người sử dụng lao động đã giữ của người lao động nên bạn  có quyền làm đơn khiếu nại lên ban lãnh đạo công ty, trường hợp công ty không giải quyết thì bạn làm đơn khiếu nại lên Phòng lao động thương binh và xã hội cấp quận, huyện nơi công ty đặt trụ sở hoặc có thể khởi kiện lên Tòa án để giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Đào Thị Trà - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo