Luật sư Trần Khánh Thương

Ốm đau dài ngày có được hưởng phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thâm niên nhà giáo không?

Tôi tên C hiện đang công tác tại một trường THCS. Tôi bắt đầu đị dạy và đóng BHXH từ tháng 9/2000. Đến tháng 9/2015 tôi bị ung thư đại tràng phải điều trị dài ngày ở bênh viện ung bứu. Đến hết tháng 6/2016 tôi có giấy ra viện của bênh viện ung bứu, tháng 7,8/2016 tôi công tác lại tại trường, Đến tháng 9/2016 tôi phải điều trị lại theo lịch của bệnh viện, vậy luật sư cho tôi hỏi:

 

1. Trong thời gian điều trị bệnh dài ngày từ tháng 9/2015 đến tháng 6/2016 nhà trường vẫn cho tôi hưởng phụ cấp ưu đãi nhà giáo vậy có đúng không?2. Tháng 9/2016 tôi điều trị lại vậy tôi có được hưởng phụ cấp ưu đãi nữa không? nếu hưởng thì hưởng tới thời điểm nào tôi không hưởng nữa? vì khả năng tôi nằm viện điều trị rất dài.

3. Trong thời gian tôi điều trị tôi có được tính nâng mức phụ cấp thâm niên nhà giáo không? vì thời gian nâng phụ cấp thâm niên nhà giáo tôi từ 1/3/2015 đến 1/3/2016 tôi được nâng 1% thâm niên nhưng phòng giáo dục không nâng phụ cấp thâm niển cho tôi vì trong khoảng thời gian từ tháng 9/2015->3/2016 tôi đang nằm viện không trực tiếp giảng dạy có đúng không? Tôi xin cảm ơn

 

Trả lời: Chào chị C! Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với yêu cầu hỗ trợ của chị, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về phụ cấp ưu đãi nhà giáo.

 

Điểm b khoản 2 mục I Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC về thời gian không được hưởng phụ cấp ưu đãi bao gồm:

 

- Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP; 

- Thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không tham gia giảng dạy liên tục trên 3 tháng;

- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Điều lệ bảo hiểm xã hội hiện hành;

- Thời gian bị đình chỉ giảng dạy.

 

Theo đó, thời gian chị nghỉ ốm đau trong thời hạn của bảo hiểm xã hội thì vẫn được hưởng phụ cấp ưu đãi. Thời gian vượt quá sẽ không được chi trả phụ cấp này. Dẫn chiếu đến quy định của Luật BHXH năm 2014 về thời hạn nghỉ ốm đau:

 

"Điều 26. Thời gian hưởng chế độ ốm đau

1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

2. Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:

a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;

b) Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

3. Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 của Luật này căn cứ vào thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền."

 

Theo đó, đối với trường hợp mắc bệnh dài ngày, thời gian nghỉ tối đa trong năm để hưởng chế độ ốm đau là 180 ngày, trường hợp hết 180 ngày nghỉ mà vẫn phải tiếp tục điều trị thì vẫn được hưởng tiếp chế độ ốm đau nhưng với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Đối chiếu với trường hợp của chị, chị có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Vậy thời gian nghỉ điều trị bệnh dài ngày của chị tối đa là 15 năm. Đồng nghĩa với việc trong thời gian 15 năm điều trị tối đa này, chị vẫn có quyền được hưởng phụ cấp ưu đãi nhà giáo.

 

Thứ hai, về phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Căn cứ quy định tại Nghị định  54/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Điều 2. Điều kiện, thời gian tính hưởng và thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên

1. Điều kiện hưởng phụ cấp thâm niên

Nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên.

2. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên

a) Thời gian giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục;

b) Thời gian hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành nghề khác được cộng dồn với thời gian quy định tại điểm a khoản này để tính hưởng phụ cấp thâm niên.

3. Thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên

a) Thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu;

b) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

c) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

d) Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

 

 

Tương tự như cách xác địnhvề thời hạn nghỉ hưởng chế độ ốm đau khi điều trị dài ngày đã phân tích ở phần thứ nhất. Theo đó, thời gian điều trị ốm đau dài ngày của chị vẫn được tính là thời gian công tác để tính hưởng phụ cấp thâm niên (tối đa không quá 15 năm).

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Ốm đau dài ngày có được hưởng phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thâm niên nhà giáo không?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Luật gia: Khánh Thương - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo