Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Những rủi ro khi cho người khác sử dụng tài khoản ngân hàng.

Nội dụng yêu cầu tư vấn: Xin chào, cho tôi được tư vấn về vấn đề sau, tôi là thủ quỹ của công ty, mà công ty tôi có 1 số khách hàng mua hàng không lấy hóa đơn nên không thể chuyển bằng ủy nhiệm chi qua ngân hàng được vì vậy bên CT có nhờ chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của tôi, số tiền giao dịch cả năm cũng vài chục tỷ đồng, đến giờ tôi cũng không muốn cho CT nhờ tài khoản cá nhân của tôi nữa , xin tư vấn giúp tôi có bị liên lụy ảnh hưởng gì không nếu có chuyện gì sảy ra.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán.

Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, có quy định:

Điều 4. Ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán

“1. Trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán, chủ tài khoản thanh toán, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán (nếu có) được ủy quyền cho người khác.

2. Việc ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán phải bằng văn bản và được thực hiện theo quy định của pháp luật về ủy quyền. Việc ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức phải được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức mở tài khoản.

3. Để ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán, chủ tài khoản phải gửi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản văn bản ủy quyền kèm bản đăng ký mẫu chữ ký và bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của người được ủy quyền (trường hợp bản sao không có chứng thực thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu).”

Như vậy, pháp luật cho phép việc ủy quyền sử dụng tài khoản thanh toán, song bạn cần lưu ý việc ủy quyền này phải được lập thành văn bản. Mặt khác, để tránh rủi ro bạn cần chắc chắn về việc nguồn tiền được ủy quyền để thanh toán là hợp pháp.

Thứ hai, về những rủi ro có thể xảy ra.

Nghị định 96/2014/NĐ-CP  Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có quy định:

Điều 27 Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán

“…7. Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi che giấu, thanh toán đối với những khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp….”

Như vậy, nếu nguồn tiền gửi là bất hợp pháp, đồng thời bạn 1 trong những hành vi như: che giấu để thanh toán khoản tiền này; không có hoặc hợp đồng ủy quyền không hợp lệ;… thì có thể bạn sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có rủi ro xảy ra.

Điều 251* Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi 2009 quy định về Tội rửa tiền

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó;

b) Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có…”

Như vậy, nếu nguồn tiền gửi trong tài khoản của bạn là tiền bất hợp pháp thì tùy vào hành vi cụ thể bạn có thể sẽ phải chịu trách nhiệm về tội phạm này.

 

Trân trọng !
Luật Gia: Nguyễn Thảo - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo