Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Những người làm nghề hành chính nhân sự cần biết về chế độ hưu trí.

Em xin chào luật sư Hiện tại em đang làm việc tại công ty và chuẩn bị qua làm bảo hiểm các loại cho nhân viên toàn công ty. Lần đầu làm còn nhiều thắc mắc mong đươc luật sư tư vấn. Vì là Công ty bên em đa số là nhân viên cao tuổi nên cũng sắp tuổi về hưu nên em phải làm chế độ nghỉ hưu cho mọi người.

 

Em có thắc mắc là vào năm 2012 đa số nhân viên công ty làm quyết định nghỉ để được hưởng trợ cấp thất nghiệp và sau đó vẫn làm tiếp tục. Vậy khi năm 2017 này đến tuổi nghỉ lao động phần hưởng trợ cấp thất nghiệp đó đã hưởng còn được tính hưu không. Nhìn vào sổ bảo hiểm làm sao để biết người lao động đóng mà được hưởng hưu trí khi đã đủ tuổi ngừng lao động. Thời gian nghỉ bị gián đoạn vài tháng có được hưởng hưu trí khi đã đủ tuổi nghỉ lao động. Khi đủ 20 năm đóng bảo hiểm xin nghỉ việc làm thủ tục ra sao khi tuổi vẫn còn lao động. Vài thắc mắc xin được luât sư tư vấn. 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau: 

 

Trước hết, bạn cần lưu ý bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp là 2 loại hình bảo hiểm với các chế độ khác nhau. Nên người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ nào thì được hưởng chế độ đó. Thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã được nhận trợ cấp thất nghiệp sẽ không được bảo lưu. Thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp không được tính là thời gian đóng BHXH để tính hưởng chế độ hưu trí.

 

Về chế độ hưu trí, Luật bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực từu 1/1/2016 quy định như sau:

 

Điều 3. Giải thích từ ngữ

"Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

...5. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

...."

 

Theo quy định trên, việc đóng BHXH có thể được ngắt quãng và sẽ được cộng dồn để tính tổng thời gian tham gia BHXH khi hưởng các chế độ của BHXH. Những tháng người lao động không đóng BXHH thì không được tính là thời gian tham gia BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. 

 

 

Điều 54. Điều kiện hưởng lương hưu

"1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

c) Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;

d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

...."

Người lao động để được hưởng chế độ hưu trí ( hưởng lương hưu hàng tháng) thì phải đáp ứng đầy đủ 2 điều kiện về số năm tham gia BHXH và tuổi đời theo quy định trên. Thiếu 1 trong 2 điều kiện thì không được hưởng chế độ hưu trí. Bạn lưu ý, người lao động có thể đóng BHXH trên 20 năm ( tùy vào quá trình làm việc), số năm đóng BHXH sẽ tương ứng với tỷ lệ lương hưu được hưởng. Việc đóng đủ 20 năm tham gia BHXH trở lên chỉ là điều kiện tối thiểu để được hưởng lương hưu. 

 

Trường hợp người lao động đã có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên nhưng chưa đủ tuổi hưởng lương hưu theo Điều 54 Luật BHXH nói trên, nếu đủ điều kiện thì được hưởng lương hưu trước tuổi theo quy định sau: 

 

Điều 55. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động

"1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;

b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

....."

 

Người lao động đã đáp ứng được đầy đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí, thì cần chuẩn bị hồ sơ như sau:

 

Điều 108. Hồ sơ hưởng lương hưu

"1. Hồ sơ hưởng lương hưu đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:

a) Sổ bảo hiểm xã hội;

b) Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hưởng chế độ hưu trí;

c) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với người nghỉ hưu theo quy định tại Điều 55 của Luật này hoặc giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp đối với trường hợp người lao động quy định tại Điều 54 của Luật này.

...."

 

Về cách kiểm tra thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội, bạn có thể theo dõi quá trình đóng BHXH được ghi nhận trên các tờ rời trong sổ BHXH. Sau mỗi lần chốt sổ bảo hiểm, sẽ có phần xác nhận quá trình đóng BHXH chưa hưởng chế độ của người lao động. Ban có thể lưu ý các điểm này để xác định được chế độ của người lao động tại công ty mình.

 

Trân trọng!

Luật gia Nguyễn Thảo - Công ty Luật Minh Gia. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo