Cao Thị Hiền

Những chế độ viên chức được hưởng khi xin nghỉ việc

Câu hỏi: Tôi công tác ở một phòng cấp huyện bắt đầu từ ngày 1/4/2009, nhưng đóng bảo hiểm từ tháng 01 năm 2010. Và được bổ nhiệm chính thức vào ngạch viên chức vào ngày 6/1/ 2012. Nay tôi bố tôi ốm nặng, tôi muốn xin được nghỉ việc.Tôi xin hỏi nếu nghỉ việc Tôi sẽ được hưởng những chế độ gì? Tôi có được hưởng theo chế độ nghị định 108 của chính phủ không?

 
 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Tại điều 45, Luật viên chức năm 2010 quy định về chế độ thôi việc như sau:
 
“Điều 45. Chế độ thôi việc
 
1. Khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
 
2. Viên chức không được hưởng trợ cấp thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
 
a) Bị buộc thôi việc;
 
b) Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc mà vi phạm quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 29 của Luật này;
 
c) Chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 5 Điều 28 của Luật này”
 
Theo quy định này, trường hợp bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không vi phạm quy định tại các khoản 4, 5, 6 Điều 29 Luật viên chức năm 2010 thì bạn sẽ được hưởng những chế độ sau: trợ cấp thôi việc, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần và bảo hiểm thất nghiệp.
 
Khoản 4, 5, 6, điều 29, Luật viên chức năm 2010 quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc như sau:
 
 
“Điều 29. Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc
 
4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.
 
5. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:
 
a) Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc;
 
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc;
 
c) Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;
 
d) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;
 
đ) Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh;
 
e) Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.
 
6. Viên chức phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 03 ngày đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 5 Điều này; ít nhất 30 ngày đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 5 Điều này.”
 
- Thứ nhất, về trợ cấp thôi việc. Bạn sẽ được hưởng chế độ này theo quy định tại điều 48 Bộ luật lao động như sau:
 
“Điều 48. Trợ cấp thôi việc
 
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
 
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
 
3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.”
 
 
- Thứ hai, về trợ cấp thất nghiệp.
 
Điều 81, Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp như sau:
 
“Điều 81. Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp
 
Người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
 
1. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ mười hai tháng trở lên trong thời gian hai mươi bốn tháng trước khi thất nghiệp;
 
2. Đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội;
 
3. Chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
 
Căn cứ vào quy định trên, trường hợp của bạn đã đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 1/2010 tới nay do vậy bạn sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp nếu bạn đi đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội, và không tìm được việc làm sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp. Nếu không đáp ứng đủ những điều kiện này bạn sẽ không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
 
Nếu bạn đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì mức hưởng,  số tháng hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại điều 82 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006, như sau:
 
“Điều 82. Trợ cấp thất nghiệp
 
1. Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của sáu tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
 
2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như sau:
 
a) Ba tháng, nếu có từ đủ mười hai tháng đến dưới ba mươi sáu tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp;
 
b) Sáu tháng, nếu có từ đủ ba mươi sáu tháng đến dưới bảy mươi hai tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp;
 
c) Chín tháng, nếu có từ đủ bảy mươi hai tháng đến dưới một trăm bốn mươi bốn tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp;
 
d) Mười hai tháng, nếu có từ đủ một trăm bốn mươi bốn tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trở lên.”
 
- Thứ ba, Bạn sẽ được thanh toán bảo hiểm xã hội một lần nếu có yêu cầu.
 
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 1 năm 2010 đến nay, chúng tôi ước chừng cho bạn đã đóng bảo hiểm xã hội được 5 năm. Với thời gian đóng bảo hiểm này bạn không đủ điều kiện để hưởng lương hưu cũng không  được tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Mà bạn sẽ được thanh toán bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại khoản 1, điều 55, Luật bảo hiểm xã hội năm 2006.
 
“Điều 55. Bảo hiểm xã hội một lần đối với người không đủ điều kiện hưởng lương hưu
 
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c và e khoản 1 Điều 2 của Luật này được hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
 
a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này mà chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội;
 
b) Suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội;
 
c) Sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần mà chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội;
d) Ra nước ngoài để định cư.
 
2. Người lao động quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 2 của Luật này được hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.”
 
Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lầ được quy định tại điều 56 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006, như sau:
 
“Điều 56. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần
 
Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội.”
 
- Thứ tư, Trường hợp của bạn không được hưởng chế độ theo quy định tại nghị định 108/2014.

Nghị định 108/2014 là nghị định về chính sách tinh giản biên chế, tại khoản 2, điều 3, nghị định 108/2014 có giải thích rõ thuật ngữ “tinh giản biên chế”
 
“2. “Tinh giản biên chế” trong Nghị định này được hiểu là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người thuộc diện tinh giản biên chế.”
 
Theo quy định này, đối chiếu với trường hợp của bạn, bạn đơn phương xin chấm dứt hợp đồng làm việc. Do vậy không thuộc trường hợp tinh giản biên chế theo quy định tại nghị định 108/2014 nghị định về chính sách tinh giản biên chế. Nên bạn sẽ không hưởng chế độ theo nghị định này, mà hưởng những chế độ mà chúng tôi đã nêu ở trên căn cứ theo quy định của luật viên chức, Bộ luật lao động và luật bảo hiểm xã hội.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Những chế độ viên chức được hưởng khi xin nghỉ việc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV. Bạc Hưởng – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo