Lò Thị Loan

Người sử dụng lao động yêu cầu người lao động đặt cọc tiền để đảm bảo thực hiện hợp đồng?

Luật sư tư vấn về: trường hợp sinh viên đi làm thêm ở trung tâm thương mại, khi đi làm không giao kết hợp đồng bằng văn bản với người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động yêu cầu bạn sinh viên phải đặt cọc để đảm bảo thực hiện hợp đồng và người sử dụng lao động không trả đúng lương theo thỏa thuận giữa các bên.

Luật sư tư vấn về: Kính gửi công ty luật em là sinh viên ạ. em có đi làm thêm ở một trung tâm thương mại. em trông thấy tin tuyển nhân viên bàn quản lý có viết, lương trả 14 ngàn 1 giờ, đi phỏng vấn, anh ấy nói thử việc 3 ngày, ngày đầu tiên chưa tính lương, lương tháng đầu tiên trừ 500 ngàn gồm 300 ngàn 'đặt cọc' và 200 ngàn tiền áo, sau khi làm đủ 3 tháng nếu nghỉ thì mới trả lại 300 ngàn (cộng với tiền áo).em thấy việc bắt cọc lương là vô lý, nhưng dù sao cũng chỉ là thỏa thuận làm bán thời gian nên em cũng không nói gì.em có hỏi về nội quy, anh ấy bảo đi làm đúng giờ, chỉ nói thế và 'mọi người ở đây sống với nhau bằng tình cảm nên không có nhiều giấy tờ ràng buộc'. khi nhận lương tháng đầu tiên, em bị trừ tiền, và sau khi tính lại, lương em chỉ dừng ở gần 11,2 ngàn 1h. anh ấy nói lương tính 2,5 triệu một tháng vs điều kiện làm 8 tiếng 1 ngày và 28 ngày 1 tuần, đây là lương thử việc. em nhắc lại anh ấy lúc nhận em vào anh ấy bảo thử việc 3 ngày, anh ấy lại nói thử việc từ 1 đến 2 tháng. em có nói em chỉ là phục vụ bàn chứ không phải đầu bếp,chạy bàn không đòi trình độ kĩ thuật gì, anh ấy chỉ nói 'không, 1 tháng'sau khi thấy lương quá thấp, và không giống với cái anh ấy đăng tin, và sau khi nghe thử việc 1 đến 2 tháng, ngay hôm sau em viết đơn xin nghỉ việc. lương tháng trước ngày 10 tháng sau mới được nhận lương (anh ấy cũng không nói ngày 10 mới nhận lúc anh ấy tuyển em vào), và anh ấy nói tiếp em viết đơn phải 15 ngày nữa mới được duyệt, trong khoảng 2 tuần ấy, em vẫn phải đi làm, tức là 25 em mới được nghỉ. em làm tiếp đến ngày 25, anh ấy cũng từng nói là, em chỉ thử việc 1 tháng thôi, qua tháng thử việc rồi, em sẽ nhận lương 14 ngàn 1 giờ. nhưng đến ngày 10 tháng sau đó, lương của em vẫn là hơn 11 ngàn 1 giờ. em có muộn làm 1 lần, anh ấy trừ 30 ngàn, em nói trừ cũng được, nhưng anh ấy chưa từng nói gì về khung hình phạt cho ngân viên. em cũng bị trừ 40 ngàn vì 4 lần không chấm công bằng vân tay, và anh ấy cũng chưa từng nói gì về điều đó. kể cả khi em muộn giờ, anh ấy có cáu hay mắng cũng không nói gì về hình phạt. khung hình phạt là 1 ngàn 1 phút, em hỏi tại sao anh ấy không phổ biến cho nhân viên, thì anh  ấy trả lời quán nào cũng bị phạt thôi, em chấp nhận bị phạt nhưng phải nói trước với nhân viên, thì anh ấy nói mình không có trách nhiệm phải nói với em về điều đó. em còn chưa ý kiến về vụ lương 11 ngàn 1 giờ mà trừ 1 ngàn 1 phút, anh ấy đã nói cái khác và gạt phắt mọi trách nhiệm thuộc về nhân viên.em nhận lương, trả áo nhưng lại ngày 10 tháng sau mới lấy lại được tiền áo, tức là đi làm tháng đầu tiên thì ngày 10 tháng sau mới được nhận lương, muốn nghỉ thì phải làm tiếp đến cuối tháng, rồi ngày 10 tháng sau đó mới nhận lương, và ngày 10 tháng sau nữa mới nhận tiền áo.em muốn tìm lại bài đăng tuyển dụng lúc trước và chụp lại nhưng có vẻ nó đã bị xóa, anh ấy đã đăng 1 bài tuyển mới đây nhưng không viết lương 14 ngàn 1 giờ nữa mà là 2,5 triệu 1 tháng.bây giờ em chỉ đợi lấy tiền áo thôi, nhưng em vẫn muốn nói chuyện với anh ấy đàng hoàng một chút, trước giờ em nói toàn bị lý lẽ tình người của anh ấy gạt phắt đi rồi, em muốn nói cho anh ấy biết trước khi em hoàn toàn không ràng buộc gì với chỗ làm cũ ấy.chuyện của em hơi dài, nhưng em  hy vọng mọi người có thể tư vấn cho em, cả về lỗi của em cũng như trách nhiệm của anh ấy. Em xin chân thành cảm ơn.     

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Để thuận lợi cho quá trính tư vấn, chúng tôi xin gọi anh quản lý là anh A.

 

Thứ nhất, anh A yêu cầu bạn đặt cọc tiền để thực hiện hợp đồng. Theo điều 20, Luật lao động năm 2012 quy định về hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng như sau:

 

“1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

 

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.”

 

Anh A yêu cầu bạn đặt cọc 300 nghìn đồng là trái quy định của pháp luật. Anh A sẽ bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi trên theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 88/2015/NĐ-CP như sau:

 

“2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: 

 

b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;”         

                                                                                         

Như vậy, anh A sẽ bị phạt tiền với mức phạt từ 20 triệu đống đến 25 triệu đồng. Ngoài ra, anh A buộc phải trả lại số tiền đã giữ của bạn cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của bạn  tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm. (theo khoản 3, điều 5, nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 88/2015/NĐ-CP).

 

Thứ hai, anh A không giao kết hợp đồng bằng văn bản với bạn. Theo điều 16, Luật lao động năm 2012 quy định về hình thứ hợp đồng lao động như sau:

 

“2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.”

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì thời hạn làm việc của bạn là dưới 3 tháng nên anh A không giao kết hợp đồng bằng văn bản với bạn vẫn đúng theo quy định của pháp luật.

 

Thứ ba, anh A không trả đúng số tiền lương theo như thỏa thuận với bạn. Theo Điều 6, Luật lao động năm 2012 quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động:

 

“2. Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:

 

a) Thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và thoả thuận khác với người lao động, tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;”

 

Theo khoản 2, điều 47, Bộ luật lao động năm 2012 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

 

“2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.”

 

Như vậy, anh A phải có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ các khoản tiền theo như thỏa thuận giữa các bên. Với việc trả lương không đúng theo thỏa thuận đã giao kết, anh A có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 3 Điều 13, Nghị định 95/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 88/2015/NĐ-CP:

 

“3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây: 

 

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;”

 

Ngoài ra, anh A còn bị áp dụng biện pháp khắc phục là buộc phải trả đủ tiền lương cho bạn.                             

                                                                                                        

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Hương Giang -  Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo