Luật sư Phùng Gái

Người sử dụng lao động có được phép buộc NLĐ phải đóng 100% tiền bảo hiểm?

Câu hỏi tư vấn: Vào đầu tháng 1/2015, tôi có ký hợp đồng lao động với một trường tư thục, trong đó có điều khoản về quyền lợi của người lao động như sau: “Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế: theo quy định hiện hành của Nhà nước và theo quy chế của nhà trường”.

 

Theo đó, hàng tháng tôi sẽ được nhà trường đóng bảo hiểm với số tiền gần 700.000 VND và tôi phải trích lương của mình để đóng là gần 300.000 VND.

 

Ngoài ra, khi tuyển dụng tôi vào làm việc, người sử dụng lao động đã nói rằng phải làm việc được 2 năm thì mới được kết hôn. Nếu như kết hôn mà chưa làm việc được 2 năm thì tôi phải tự đóng bảo hiểm 100% tính từ thời điểm kết hôn cho đến khi tròn 2 năm. Tuy nhiên, điều này không được đề cập đến trong bản hợp đồng mà tôi đã ký. Xét thấy, điều này chỉ là một “hợp đồng miệng”, không có cơ sở pháp lý.

 

Vào cuối tháng 12/2015, tôi kết hôn. Lúc đó tôi đã làm việc tại trường tròn 1 năm. Lúc bấy giờ, người sử dụng lao động có thông báo bằng miệng rằng tôi phải tự đóng bảo hiểm 100%, nhưng lại không có thông báo chính thức bằng văn bản cho tôi cũng như bộ phận kế toán để thực hiện. Đến thời điểm này (đầu tháng 10/2016)  sau khi tôi kết hôn tròn 9 tháng, thì bộ phận kế toán nhận được chỉ thị của người sử dụng lao động và thông báo rằng tôi phải đóng bảo hiểm 100% bằng tiền lương tháng 9 của mình. Thêm nữa, bộ phận kế toán sẽ “truy thu” tiền bảo hiểm vào tiền lương hàng tháng của tôi, tức là buộc tôi phải đóng bồi thường số tiền bảo hiểm mà nhà trường đã đóng cho tôi từ khi tôi kết hôn đến hiện tại (tổng là 9 tháng).

 

Vậy, theo như bản hợp đồng mà tôi đã ký, thì việc làm này của người sử dụng lao động có đúng pháp lý hay không? Tôi phải làm thế nào trong trường hợp này? Tôi có thể khởi kiện người sử dụng lao động được không? Và cần có những giấy tờ gì liên quan để có thể khởi kiện được? Rất mong nhận được tư vấn kịp thời của Quý luật sư. Xin cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 về khấu trừ tiền lương.

 

Điều 101. Khấu trừ tiền lương

 

1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật này.

 

2. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.

 

3. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập.

 

Theo đó,  công ty chỉ được phép khấu trừ tiền lương của người lao động tối đa không quá 30% vì lý do gây thiệt hại làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị. Do đó, đối chiếu với trường hợp của bạn thì lý do đơn vị khấu trừ tiền lương hàng tháng để thanh toán trả lại tiền bảo hiểm đơn vị đã đóng trong 9 tháng là trái quy định pháp luật.

 

-Liên quan tới về tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể, Điều 186 Bộ luật lao động:

 

Điều 186. Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

 

1. Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế.

...

 

Đồng thời, Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

 

Điều 21. Trách nhiệm của người sử dụng lao động

 

1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

 

2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

 

 

Điều 86. Mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động

 

1. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật này như sau:

 

a) 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;

 

b) 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

 

c) 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

 

Ngoài ra, đơn vị sử dụng lao động còn có trách nhiệm đóng thêm vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và quỹ Bảo hiểm y tế với mức đóng tương đương 1%; 3%. Theo đó, tổng cộng đơn vị phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động 22% vào quỹ bảo hiểm.

 

Do đó,  đối chiếu quy định trên với trường hợp thực tế của bạn thì đơn vị có trách nhiệm đóng 22% vào quỹ bảo hiểm hàng tháng cho người lao động. Việc đơn vị không đóng và buộc bạn thanh toán đóng toàn bộ 100% tiền bảo hiểm cho thời gian 9 tháng (vì lý do vi phạm thỏa thuận ban đầu khi giao kết hợp đồng) là hành vi trái pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội. Nên với hành vi này sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 95/3013/NĐ-CP.

 

Như vậy, với hành vi vi phạm trên của đơn vị thì để đảm bảo quyền lợi của mình bạn trước tiên thỏa thuận với đơn vị để xử lý. Trường hợp đơn vị không chấp nhận và vẫn tiến hành truy thu buộc bạn đóng 100% tiền bảo hiểm thì khiếu nại tới Phòng lao động thương binh và xã hội hoặc khởi kiện trực tiếp ra Tòa để giải quyết. Theo đó, hồ sơ cần chuẩn bị:

 

+ Đơn khiếu nại/đơn khởi kiện;

 

+ Hợp đồng lao động;

 

+ Giay tờ chứng minh về hành vi vi phạm của đơn vi (quyết định truy thu, khấu trừ tiền lương, thông báo về đóng bảo hiểm...)

 

+ Chứng minh thư nhân dân photo chứng thực.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Người sử dụng lao động có được phép buộc NLĐ phải đóng 100% tiền bảo hiểm?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.

 

- Hồ sơ nộp 

 

 

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo