LS Hoài My

Người nước ngoài sang công ty bên Việt Nam quản lý có phải lập hợp đồng lao động

Luật sư tư vấn về việc người nước ngoài sang công ty bên Việt Nam quản lý có phải lập hợp đồng lao động. Quy định của pháp luật về điều kiện của lao động là công dân nước ngoài vào là việc tại Việt Nam. Nếu gặp vấn đề này cần tư vấn, hỗ trợ bạn hãy liên hệ đến công ty Luật Minh Gia chúng tôi để được hỗ trợ một cách tốt nhất.

1. Tư vấn về việc lập hợp đồng lao động đối với công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.

Cùng với quá trình hội nhập, những năm gần đây lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có xu hướng tăng lên qua các năm. Các hình thức lao động của người nước ngoài tại Việt Nam hiện nay phát sinh chủ yếu do nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, được công ty mẹ cử sang hoặc thực hiện các hợp đồng kinh tế thương mại.

 Vậy khi xác lập quan hệ lao động với người nước ngoài thì người sử dụng lao động có phải lập hợp đồng lao động hay không? Điều kiện của lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam là như thế nào? Nếu bạn gặp vấn đề này nhưng không có thời gian tìm hiểu quy định của pháp luật, bạn hãy liên hệ đến công ty Luật Minh Gia bằng cách gửi câu hỏi tư vấn hoặc Gọi  1900.6169, luật sư sẽ tư vấn cho bạn những nội dung sau:

+ Hợp đồng lao động ;

+ Điều kiện của lao động là công dân nước ngoài vào là việc tại Việt Nam ;

+ Các vấn đề pháp lý liên quan theo quy định của pháp luật ;

2. Người nước ngoài sang công ty bên Việt Nam quản lý có phải lập hợp đồng lao động.

Câu hỏi: Chủ doanh nghiệp của em là người Hàn Quốc được bên Hàn Quốc thanh toán lương nhưng sang công ty bên Việt Nam quản lý thì có nhất thiết phải lập hợp đồng lao động không và bảo hiểm ông ấy phải đóng những loại nào?

Trả lời. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau.

-Thứ nhất là về việc có phải lập hợp đồng lao động không.

Điều 169 Bộ luật lao động 2012 quy định về Điều kiện của lao động là công dân nước ngoài vào là việc tại Việt Nam như sau:

“1. Lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Có trình độ chuyên môn, tay nghề và sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc;

c) Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài;

d) Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp theo quy định tại Điều 172 của Bộ luật này.

2. Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác và được pháp luật Việt Nam bảo vệ.”

Theo thông tin bạn cung cấp thì chủ doanh nghiệp của bạn là người Hàn Quốc, đã giao kết hợp đồng với công ty Hàn Quốc và được bên Hàn Quốc thanh toán lương nhưng lại sang công ty bên Việt Nam quản lý.

Do đó, trường hợp của chủ doanh nghiệp của bạn thuộc đối tượng di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp. Vì vậy, căn cứ vào quy định trên thì khi sang Việt Nam chủ của bạn không phải lập hợp đồng lao động tại Việt Nam nữa. Tuy nhiên, chủ của bạn sẽ phải đưa ra giấy phép lao động khi vào Việt Nam đê làm việc. Chủ của bạn sẽ được cấp Giấy phép lao động nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 9 Nghị định 102/2013/NĐ-CP trừ trường hợp quy định tại Điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định này.

Điều 7 Nghị định 102/2013/NĐ-CP quy định về Các trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động như sau:

“....................................................................

2. Các trường hợp khác không thuộc diện cấp giấy phép lao động, bao gồm:

a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh; thông tin; xây dựng; phân phối; giáo dục; môi trường; tài chính; y tế; du lịch; văn hóa giải trí và vận tải;

Bộ Công Thương hướng dẫn căn cứ, thủ tục để xác định người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ nêu trên.

...................................................................”

Theo đó, nếu doanh nghiệp của bạn đang thuộc trong 11 ngàng dịch vụ quy định trên thì khi sang Việt Nam chủ của bạn không được cấp giấy phép lao động.

Mà khi người nước ngoài vào Việt Nam làm việc thì phải xuất trình giấy phép lao động. Nên nếu chủ của bạn thuộc diện không được cấp giấy phép lao động thì chủ của bạn phải chứng minh được mình thuộc diện không được cấp giấy phép lao động.

Và Theo Thông tư số 41/2014/TT-BCT thì Hồ sơ để chứng minh người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với WTO được chứng minh phải tuân theo các thủ tục hồ sơ quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II của Thông tư này không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 102/2013/NĐ-CP bao gồm: Văn bản của doanh nghiệp nước ngoài cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam nêu rõ thời hạn làm việc của người lao động; Văn bản xác nhận là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 102/2013/NĐ-CP và Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 03/2014/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 1 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 102/2013/NĐ-CP; Văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng ít nhất 12 tháng trước khi được cử sang Việt Nam làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư số 03/2014/TT-BLĐTBXH.

-Thứ hai là về đóng bảo hiểm xã hội.

Khoản 2 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về Đối tượng áp dụng như sau:

“2. Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.”

Khoản 1 Điều 124 Luật bảo hiểm xã hội quy định về Hiệu lực thi hành như sau:

“1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, trừ quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này thì có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.”

Căn cứ quy định trên thì trường hợp của chủ doanh nghiệp của bạn sẽ áp dụng Luật bảo hiểm xã hội 2006. Theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 thì người lao động nước ngoài tại Việt Nam không phải là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện.
Điều 1 Luật bảo hiểm y tế 2014 quy định về Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như sau:

“.......................................................................

2. Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến bảo hiểm y tế.

.............................................................”

Điều 43 Luật việc làm 2013 quy định về Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp như sau:

“1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

2. Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này.”

Như vậy, Căn cứ vào các quy định trên thì chủ doanh nghiệp của bạn sẽ tham gia 1 loại bảo hiểm, đó là Bảo hiểm y tế.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Người nước ngoài sang công ty bên Việt Nam quản lý có phải lập hợp đồng lao động . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo