Trần Diềm Quỳnh

Người lao động phải làm sao khi công ty ra quyết định đình chỉ công việc vô thời hạn

Luật Sư tư vấn về vấn đề người lao động vi phạm nguyên tắc tài chính công ty ra quyết định đình chỉ vô thời hạn. Nội dung tư vấn như sau:

Kính gửi: Quý Công ty Luật Minh Gia Hiện tại tôi đang làm việc tại bộ phận kế toán thanh toán kiêm thủ quỹ của công ty TNHH MTV. Tôi đang gặp 1 vấn đề như sau xin được sự tư vấn của Quý công ty. Ngày 3/11/2017 GĐĐH yêu cầu kiểm kê quỹ tiền mặt tại công ty, sau khi kiểm kê quỹ thì số tiền trên thực tế và trên chứng từ lệch nhau 3 triệu đồng, lệch dư 3 triệu. Do tôi có để tiền cá nhân của tôi lẫn ở trong két của công ty nên khi kiểm tra dẫn đến việc này, tất cả hồ sơ, giấy tờ và chúng từ thanh toán của tôi đều đúng, đúng... Tuy nhiên GĐĐH không chấp nhận giải trình của tôi, và ra quyết định đình chỉ tôi vô thời hạn, mặc dù trong quá trình làm 3 năm nay tôi chưa từng chiếm dụng tài sản, tiền bạc của công ty dù là 1 đồng, nhưng vẫn bị xử lý lỗi nặng vì việc vi phạm nguyên tắc tài chính. Tôi xin được hỏi và tư vấn việc tôi bị đình chỉ vô thời hạn và GĐĐH nói sẽ cho tôi nghỉ việc là đúng hay sai theo. Xin được sớm phúc đáp. Tôi xin chân thành cảm ơn Quý công ty!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất: Về việc công ty ra quyết định đình chỉ vô thời hạn

 

Tại Điều 129 Bộ luật lao động năm 2012 quy định như sau:

 

“Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp, nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

 

 Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường họp đặc biệt cũng không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đìnhchỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.

 

Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sừ dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.

 

Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.

 

Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc”.

 

.Theo đó, thời hạn tạm đình chỉ công việc của người lao động không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 90 ngày.

 

Trường hợp đặc biệt áp dụng thời hạn tạm đình chỉ công việc tối đa 90 ngày được hiểu là các trường hợp đặc biệt áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 12 tháng theo quy định tại khoản 1 Điều 124 BLLĐ. Đó là khi hành vi vi phạm của người lao động liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động.

 

Tuy nhiên, bạn nên lưu ý đến việc khi ra quyết định tạm đình chỉ công việc của bạn công ty bạn có tiến hành việc tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở hay không. Nếu như công ty không tiến hành việc tham khảo ý kiến như trên thì việc đình chỉ công việc của bạn là không hợp pháp, còn nếu như công ty bạn đã tiến hành đầy đủ thủ tục trên thì quyết định đình chỉ công tác của bạn như vậy là đúng. Bạn nên tìm hiểu cụ thể trường hợp của mình để có thể biết chính xác quyết định đình chỉ của công ty bạn là đúng hay không theo quy định của pháp luật.

 

Thứ hai: Nếu như công ty muốn chấm dứt hợp đồng lao động:

 

Do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên chúng tôi không biết bạn đang ký kết loại hợp đồng lao động nào với công ty bạn (HĐLĐ  xác định thời hạn hay HĐLĐ không xác định thời hạn). Công ty có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bạn khi có các căn cứ theo quy định tại Điều 38 Bộ Luật Lao Động năm 2012. Nếu như công ty của bạn ra quyết định cho bạn nghỉ việc nhưng không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 38 thì công ty bạn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

 

Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

 

"1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

 

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này..."

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
 CV tư vấn: Nguyễn Thị Ngọc Anh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo