Trần Tuấn Hùng

Người lao động ngoài biên chế làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập

Tư vấn về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động và quyền của người lao động khi quan hệ lao động chấm dứt và việc ký kết hợp đồng làm công việc bảo vệ và vệ sinh theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP.

 

Nội dung câu hỏi: Kính gửi quý Luật sư, trước tiên xin chúc quý Luật sư sức khỏe, hạnh phúc. Tôi mong quý Luật sư tư vấn giúp trường hợp sau: Đơn vị tôi là đơn vị sự nghiệp phụ thuộc ngân sách nhà nước. Năm 2017 đơn vị tôi có 8 nguoi trong đó: 7 biên chế, 1 hợp đồng trong biên chế.  Đầu năm 2018 ngân sách huyện giao có 7 người, cắt mất lương của 1 nguoi họp đồng; - Tháng 3/2018 đơn vị tôi thông báo cắt hợp đồng một người đã công tác 22 năm ( năm nay 46 tuổi); ( hợp đồng trong biên chế) hủy họp đồng vói đồng chí này. Vậy xin hỏi UBND huyện và cơ quan làm thế đúng hay sai, đồng nghiệp tôi khi bị cắt như vậy được hưởng những chế độ quyền lợi gì ?- Sau khi cắt họp đồng CBVC trong đơn vị có đưa ra biện pháp giúp đỡ đồng nghiệp tôi tạo điều kiện cho đồng chí có thu nhập tự đóng bảo hiểm để duy trì đủ năm đóng bảo hiểm hưởng chế độ lương hưu bằng cách ký hợp đồng công việc bảo vệ cơ quan với mức trả 2,500.000 và vệ sinh công sở 2.000.000 ( khoản tiền này được trích trong khoản chi chuyên môn ).  Xin hỏi  - Đơn vị tôi có ký hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP được không, hoặc sử dụng mẫu hợp đồng nào  - mức chi trả thế có vi phạm gì không. Rất mong được sự giúp đỡ quan tâm của quý Luật sư để đảm bảo quyền lợi của đồng nghiệp tôi.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau :

 

Thứ nhất, việc chấm dứt hợp đồng với người lao động trong trường hợp này là đúng hay sai và khi chấm dứt người lao động có những quyền lợi gì?

 

Điều 36 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động:

 

“1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.

 

2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

 

3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

 

4. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này……”

 

Hợp đồng lao động chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 36 Bộ luật lao động năm 2012. Theo thông tin bạn cung cấp thì đơn vị bạn đã thông báo cắt hợp đồng với người lao động vì lý do ngân sách của Huyện giao chỉ trả lương cho 7 biên chế. Để xác định nhà trường có chấm dứt hợp đồng trái quy định hay không thì bạn cần phải xem xét căn cứ mà nhà trường chấm dứt với người lao động đó là gì. Nếu hợp đồng trên được chấm dứt đúng pháp luật thì đơn vị  bạn có trách nhiệm theo Điều 47 Bộ luật lao động năm 2012:

 

Điều 47 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động:

 

“1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

 

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

 

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

 

4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.”

 

Nếu đơn vị đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật thì ngoài trách nhiệm theo Điều 47  Bộ luật lao động năm 2012 đơn vị bạn còn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường theo quy định tại Điều 42 Bộ luật lao động năm 2012:

 

Điều 42 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật:

 

“1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

 

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

 

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

 

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

 

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.”

 

Thứ hai, việc trả lương cho người lao động có đúng không?

 

Hiện tại đơn vị bạn đang ký hợp đồng lao động với người lao động này, nếu giao kết hợp đồng lao động với một người lao động thực hiện hai công việc thì căn cứ vào quy mô của đơn vị bạn, trường hợp khối lượng công việc không lớn mà một người đảm nhận được thì vẫn có thể ký kết hợp đồng một lúc làm hai công việc. Mức lương cũng phải đáp ứng quy định của pháp luật về tiền lương theo quy định tại Điều 90 Bộ luật lao động năm 2012:

 

“1. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.

 

Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

 

Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

 

2. Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc…”

 

Điều 1 Nghị định 68/2000/NĐ-CP quy định về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp:

 

“3. Bảo vệ;

 

4. Vệ sinh;

 

 Đơn vị của bạn giao kết hợp đồng lao động làm công việc vệ sinh và bảo vệ  như vậy có thể ký hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP. Những đối tượng trên thuộc đối tượng lao động ngoài biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập. Tiền lương chi trả cho người lao động được bảo đảm bởi ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 7 Nghị định 68/2000/NĐ-CP:

 

"Kinh phí thực hiện hợp đồng các công việc quy định tại Điều 1 của Nghị định này do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm.

 

Việc cấp phát, sử dụng, quyết toán nguồn kinh phí do Bộ Tài chính quy định.”.

 

Đơn vị bạn có thể ký kết hợp đồng lao động với người lao động này để làm công việc bảo vệ và vệ sinh theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP, tiền lương do ngân sách nhà nước chi chả.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Nông Diệp - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo