Phạm Diệu

Người lao động làm việc vào ngày lễ, tết được hưởng lương như thế nào?

Chế độ đãi ngộ đối với người lao động làm việc vào ngày lễ, tết được quy định như thế nào? Mức lương làm việc trong ngày lễ, tết là bao nhiêu? Việc nghỉ bù ngày lễ tết được sắp xếp như nào? … Đây là những thắc mắc phổ biến của người lao động nói chung, nếu bạn có những thắc mắc này hoặc tương tự như vậy, hãy liên hệ với Luật Minh Gia để được giải đáp.

1. Luật sư tư vấn về làm việc trong ngày lễ tết

Hiện nay, việc người lao động làm việc vào các dịp lễ, tết khá phổ biến, tuy nhiên không phải ai cũng có thời gian để tìm hiểu cụ thể, chi tiết những quyền lợi của người lao động khi làm việc vào ngày lễ, ngày tết theo quy định của pháp luật lao động. Trong trường hợp có thắc mắc, chữa rõ hoặc không có thời gian tìm hiểu, bạn hãy liên hệ với Luật Minh Gia qua email hoặc gọi 1900.6169 để được hướng dẫn tư vấn các vấn đề như:

- Tư vấn quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi của người lao động;

- Tư vấn chế độ lao động khi làm việc thêm giờ, tăng cả: Tiền lương thêm giờ, cách tính tiền lương, chế độ phụ cấp, chế độ BHXH khi làm thêm giờ...;

- Tư vấn về quyền, lợi ích của người lao động làm việc trong những ngày nghỉ, ngày lễ tết ....

Ngoài ra, bạn và doanh nghiệp của bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức về cách tính quyền lợi của người lao động làm việc vào ngày lễ tết.

2. Hỏi tư vấn về mức lương ngày lễ, tết của người lao động

Nội dung tư vấn​: Kính thưa luật sư! Công ty tôi đang làm, yêu cầu công nhân vận hành ca nghỉ bù đủ 10 ngày lễ tết trong năm theo quy định. Dù ngày lễ tết đó có trùng vào ngày đi làm hoặc không. Nếu trùng vào ngày đi làm thì được trả 300% lương cơ bản thay vì quy định là 400%. Công ty cắt lại 100% đó để trả vào ngày nghỉ bù. Vậy cho phép tôi được hỏi : 1: việc cắt lại 100% lương như vậy có đúng quy định không? 2: việc yêu cầu nghỉ bù đủ 10 ngày trong 1 năm (không nghỉ vẫn chấm nghỉ, miễn sao đủ 10 ngày ) có đúng quy định không? 3: Nếu công nhân nhận đủ 400% lương mà công nhân không nghỉ bù có được không?Tôi xin trân trọng cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ theo quy định tại Điều 115 Bộ luật lao động 2012 quy định:

“Điều 115. Nghỉ lễ, tết

1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

a) Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

b) Tết Âm lịch 05 ngày;

c) Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

d) Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

đ) Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch);

e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

2. Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài ngày nghỉ lễ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

3. Nếu những ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.”.

Bên cạnh đó, tại Điều 97 Bộ luật lao động 2012 quy định về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm như sau:

Điều 97. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm

1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.

Như vậy, trường hợp nếu bạn đi làm vào ngày nghỉ lễ, tết thì phía công ty phải có trách nhiệm thanh toán tiền lương làm thêm giờ theo quy định trên. Do đó, trường hợp bạn làm việc vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương thì bạn sẽ được chi trả ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương. Theo thông tin bạn cho biết, bạn đi làm vào ngày nghỉ lễ tết nhưng công ty chỉ chi trả 300%, cắt lại 100% là không phù hợp với quy định pháp luật. Việc thỏa thuận nghỉ bù chỉ có thể được chấp nhận khi người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận được với nhau.Trường hợp, công ty trả đủ tiền lương làm thêm giờ vào ngày lễ, tết theo đúng quy định tại Điều 97 Bộ luật lao động 2012 thì công ty không phải sắp xếp cho bạn nghỉ bù.

Vì vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể yêu cầu công ty chi trả đầy đủ tiền lương khi bạn làm việc vào ngày lễ, tết. Trường hợp công ty không thực hiện chi trả thì bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi trực tiếp tới ban giám đốc công ty hoặc có thể làm đơn khiếu nại gửi đến Phòng Lao động -Thương binh - Xã hội quận (huyện) nơi công ty đặt trụ sở để yêu cầu giải quyết.

Với hành vi vi phạm công ty có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2013/NĐ-CP như sau:

Điều 13. Vi phạm quy định về tiền lương

...

3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo