Cao Thị Hiền

Người lao động làm gì để đòi được quyền lợi khi không có HĐLĐ không?

Thực tế, rất nhiều trường hợp người sử dụng lao động không ký kết hợp đồng lao động với người lao đông. Trong những trường hợp như vậy, người lao động muốn đòi quyền lợi thì phải làm như thế nào? Căn cứ vào đâu?

 

1. Luật sư tư vấn về lao động

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Nếu bạn đang có thắc mắc về vấn đề này hoặc các vấn đề pháp lý khác, bạn có thể liên hệ đến Luật Minh Gia để được hỗ trợ tư vấn.

2. Người lao động làm gì để đòi quyền lợi khi không có HĐLĐ không?

Câu hỏi tư vấn: Thưa Luật sư, tôi có thắc mắc về vấn đề hợp đồng và việc thanh toán tiền lương mong Luật sư dành chút thời gian giải đáp giúp tôi, tôi xin chân thành cảm ơn. Tôi bắt đầu làm việc tại công ty A với vị trí nhân viên từ ngày 05/09/2016 với thời gian thử việc 03 tháng, kể từ ngày 06/12/2016 tôi đã làm việc chính thức tại đây với vị trí như trên. Phòng nhân sự đã chuyển hợp đồng lao động với thời hạn 01 năm cho tôi ký nhưng đến thời điểm hiện tại tôi vẫn chưa nhận lại được hợp đồng này. Tôi đã viết đơn xin thôi việc và trình Ban quản lý công ty vào ngày 23/12/2016, theo đó 01 tháng sau (23/1/2017) tôi sẽ chính thức thôi việc và bàn giao công việc. Tuy nhiên, Ban quản lý công ty phê duyệt cho tôi thôi việc và bàn giao công việc ngay trong ngày 23/12/2016 và chỉ đồng ý thanh toán tiền lương của tôi đến ngày 23/12/2016 với lý do tôi không có hợp đồng lao động chính thức. (Về việc ký hợp đồng chậm trễ là do quá trình làm việc của phòng nhân sự). Vậy nhờ Luật sư tư vấn giúp tôi, trong trường hợp nêu trên tôi có được thanh toán tiền lương đến ngày 23/1/2017. Rất mong nhận được sự phản hồi sớm. Tôi chân thành cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn, chào bạn đã gửi công hỏi đến Luật Minh Gia! Trường hợp của bạn chúng tôi hỗ trợ tư vấn như sau:

Thứ nhất, về thời gian thử việc. Căn cứ theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Lao động 2019:

“Điều 25. Thời gian thử việc

Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác."

Trường hợp của bạn thử việc với vị trí nhân viên làm công việc mà cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên thì thời gian thử việc không quá 60 ngày. Việc công ty cho bạn thử việc thời gian 03 tháng là vi phạm quy định của pháp luật. Trường hợp này, công ty có thể bị xử phạt và buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 9 Nghị định 28/2020/NĐ-CP:

“Điều 9. Vi phạm quy định về thử việc

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc;

b) Thử việc quá thời gian quy định;

c) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó;

d) Kết thúc thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a, b, c, d khoản 2 Điều này;

b) Buộc giao kết hợp đồng lao động với người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.”

Như vậy, đối với 01 tháng vượt quá thời gian thử việc bạn có thể yêu cầu bên phía công ty trả đủ tiền lương theo mức tiền lương khi trở thành nhân viên chính thức đối với 01 tháng đó.

Thứ hai, đối với hành vi không giao kết hợp đồng thì công ty có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP:

“Điều 8. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động

1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

c) Buộc giao kết đúng loại hợp đồng với người lao động đối với hành vi không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động quy định tại khoản 1 Điều này.”

Trường hợp người sử dụng lao động không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động là công ty sai, vì vậy, công ty có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Và dù không có hợp đồng lao động thì quan hệ giữa bạn và công ty vẫn được công nhận là quan hệ lao động và được điều chỉnh theo quy định về pháp luật lao động.

Thứ ba, đối với vấn đề về việc báo trước. Trường hợp ngày 23/12/2016 bạn thông báo với công ty bạn nghỉ việc và đến ngày 23/1/2017 bạn mới chính thức nghỉ việc, tuy nhiên, công ty có quyết định cho bạn nghỉ việc ngay trong ngày 23/12/2016 mà không cần phải làm đến ngày 23/1/2017 thì bạn có thể nghỉ luôn.

Trường hợp là bạn đã làm đến ngày 23/1/2017 thì công ty có trách nhiệm phải trả lương đến ngày 23/1/2017 cho bạn. Nếu công ty không trả thì bạn có thể nộp đơn khiếu nại đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu giải quyết.

Kết luận lại, đối với những hành vi vi phạm của công ty được nêu ra ở trên bạn có thể làm đơn đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội của UBND cấp huyện nơi bạn làm việc để được giải quyết quyền lợi cho mình.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo