LS Vy Huyền

Người lao động đơn phương nghỉ việc và quyền lợi được hưởng khi bị bệnh nghề nghiệp

Xin chào luật sư, tôi làm cho một công ty liên doanh nước ngoài. Công việc của tôi là kiểm tra sản phẩm. Các sản phẩm tôi kiểm tra có trọng khoảng 1-2kg. Do công việc yêu cầu phải cầm sản phẩm liên tục và cố định tư thế nên sau khoảng nửa năm tôi bắt đầu có triệu chứng đau vai gáy.

 

Triệu chứng ngày càng tăng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng làm việc của tôi. Tôi có chụp XQ, xương không bị sao và chuẩn đoán do co dãn dây chằng, ảnh hưởng đến dây thần kinh xung quanh. Tôi đã xin nghỉ việc tại công ty. Trong thời gian 30 ngày trước khi chấm dứt hợp đồng lao động,  tôi có nghỉ 5 ngày nhưng quản lý không đồng ý. (Tôi chỉ nghỉ ở nhà mà không đi khám trong những ngày này).  Vậy luật sư cho tôi hỏi,  như vậy tôi có bị coi là vi phạm luật lao động về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không. Và đối với bệnh của tôi, tôi có quyền yêu cầu quyền lợi gì đối với công ty không. Rất mong nhận được phản hồi từ phía luật sư. Xin cảm ơn! 

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, với yêu cầu của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Thứ nhấtvề việc chấm dứt hợp đồng lao động

 

 Căn cứ theo quy định tại điều 37 bộ luật lao động 2012 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động. Theo đó, người lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động một khoảng thời gian tương ứng với từng loại hợp đồng.

 

Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

 

… 2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

 

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

 

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

 

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

 

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì khi bạn muốn nghỉ việc thì phải báo trước cho công ty ít nhất là 30 ngày đối với hợp đồng xác định thời hạn và báo trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng không xác định thời hạn.

 

Đối với trường hợp của bạn, nếu sau khi thông báo cho bên sử dụng lao động về việc nghỉ việc mà bạn nghỉ việc luôn thì trường hợp này bạn sẽ bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; Còn trường hợp bạn nghỉ 5 ngày nhưng sau đó bạn vẫn đi làm đến hết 30 ngày (hoặc 45 ngày) thì sẽ không thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

 

Thứ hai, bồi thường đối với bệnh nghề nghiệp

 

Theo như bạn nói thì bạn làm việc kiểm tra sản phẩm. Các sản phẩm bạn kiểm tra có trọng khoảng 1-2kg. Do công việc yêu cầu phải cầm sản phẩm liên tục và cố định tư thế nên sau khoảng nửa năm bạn bắt đầu có triệu chứng đau vai gáy.

 

Căn cứ tại khoản 9 điều 3 luật an toàn vệ sinh lao động 2015 quy định về bệnh nghề nghiệp:

 

9. Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.

 

Theo đó, căn cứ theo quy định trên thì bệnh nghề nghiệp phải là những bệnh phát sinh do những tác hại của điều kiện lao động và phải được quy định trong danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành tại thông tư 15/2016/TT-BLĐTBXH .

 

Mặc dù bệnh đau vai của bạn xuất hiện trong quá trình lao động nhưng do bệnh này chưa được ghi nhận trong danh mục bệnh nghề nghiệp nên bạn không đủ điều kiện để hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp. Do đó, công ty sẽ không có trách nhiệm chi trả cho bạn những chi phí khám, chữa bệnh phát sinh trong quá trình điều trị bệnh của bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Thúy Vân - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo