Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Người lao động có thời gian làm việc trước 2009 thì tính trợ cấp thôi việc như thế nào?

Trợ cấp thôi việc là chế độ được chi trả cho người lao động khi nghỉ việc, tuy nhiên với mỗi người lao động chế độ thôi việc được chi trả là khác nhau, do đó khi bạn nghỉ việc và chưa biết chế độ của mình được hưởng như thế nào thì bạn có thể liên hệ với Luật sư của chúng tôi để được hỗ trợ giải đáp cụ thể.

1. Luật sư tư vấn về chế độ thôi việc của người lao động

Đối với người lao động có thời gian tính hưởng chế độ thôi việc khi nghỉ việc thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm chi trả chế độ này cho người lao động. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều doanh nghiệp không thực hiện chi trả hoặc chi trả không đúng theo quy định pháp luật, điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động.

Do đó, nếu bạn hoặc người thân của mình gặp vấn đề này và chưa nắm rõ quy định pháp luật thì có thể liên hệ với Luật sư của chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn cụ thể về các vấn đề:

- Điều kiện hưởng chế độ trợ cấp thôi việc;

- Mức hưởng chế độ thôi việc;

- Tiền lương làm căn cứ tính chế độ trợ cấp thôi việc.

Bạn có thể gửi yêu cầu tư vấn hoặc gọi: 1900.6169 để được giải đáp kịp thời.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm trường hợp chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức pháp lý trong lĩnh vực này.

2. Quy định pháp luật về chế độ trợ cấp thôi việc

Nội dung câu hỏi: Xin chào phòng tư vấn Luật Minh Gia. Dạ, Phòng tư vấn cho em hỏi vấn đề liên quan đến trợ cấp thôi việc của của Doanh ngiệp. Em có chị gái đã từng làm việc ở Công ty May, công ty là cổ phần trực thuộc vốn nhà nước 50% tháng 06/1999 chị gái em được công ty ký hợp đồng dài hạn, trong quá trình làm việc đến năm 2008 chị em bị U não nên xin nghỉ thôi việc và vẫn tiếp tục tham gia Bảo hiểm tự nguyện với công ty, đến năm 2017 chị em xin tạm ngừng đóng Bảo hiểm với Công ty và đã được hưởng Bảo hiểm trợ cấp thất  nghiệp của bên bảo hiểm xã hội từ năm 2009 đến 2016 là 7 tháng,  qua quá trình tìm hiểu thông tin về vấn đề trợ cấp thôi việc nhưng em chưa biết rõ. Vậy nên em muốn nhờ văn phòng luật  Minh Gia tư vấn giúp em vấn đề trên của chị gái em, (Chị gái em sau khi thôi việc chưa được hưởng bất kỳ khoản trợ cấp nào của Công ty, nhưng sau thời điểm chị gái em nghỉ việc trong công ty cũng có một số công nhân xin nghỉ việc và được công ty chi trả trợ cấp thôi việc). Nếu luật trợ cấp của Doanh nghiệp được áp dụng với công nhân thì trong trường hợp của chị em phải làm những thủ tục gì, văn bản hướng dẫn như thế nào ạ, mong văn phòng tư vấn và giải đáp. Xin cảm ơn!

Trả lời câu hỏi: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, Công ty Luật Minh Gia trả lời tư vấn như sau:

Căn cứ tại Điều 48 Bộ luật lao động 2012 quy định về điều kiện hưởng và mức hưởng chế độ trợ cấp thôi việc như sau:

Điều 48. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Theo quy định nêu trên thì người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc khi có căn cứ chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 Bộ luật lao động 2012 và phải đáp ứng điều kiện về thời gian làm việc (làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên).

Điều 36 Bộ luật lao động 2012 quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc bao gồm:

“Điều 36. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động

1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.

2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

5. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.

6. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.

10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.”.

Như vậy, đối với trường hợp của chị bạn thì chị bạn đã làm việc cho công ty từ tháng 06/1999 và nếu việc chấm dứt hợp đồng lao động của ông A thuộc 1 trong 8 trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 nêu trên thì chị bạn sẽ được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật lao động 2012 thì:

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc = Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động - Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp - Thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc

Đối với trường hợp của chị bạn, nếu chị bạn làm việc từ tháng 06/1999 đến hết năm 2008 thì công ty có nghĩa vụ chi trả chế độ trợ cấp thôi việc cho chị bạn đối với thời giam làm việc từ tháng 06/1999 đến hết năm 2008 là 9 năm 07 tháng (làm tròn là 10 năm), tương ứng với 05 tháng tiền lương trợ cấp thôi việc. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Trường hợp, nếu công ty chưa chi trả thì chị bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu công ty thực hiện chi trả chế độ trợ cấp thôi việc cho mình, trường hợp nếu có yêu cầu mà công ty không thực hiện chi trả thì bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi đến Phòng lao động thương binh xã hội nơi công ty có trụ sở để thực hiện hòa giải hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp quận (huyện) để yêu cầu giải quyết.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo