Hoài Nam

Người lao động có được tự mình đóng bảo hiểm xã hội không?

Cơ quan cử đi học tập, sau đó nghỉ việc không hưởng lương thì có được tự mình đóng bảo hiểm xã hội không? Có phải bòi thường chi phí đào tạo không? Cụ thể như sau:

  

Tôi trước kia là giảng viên trường Cao đẳng. Tôi muốn nhờ Quý Công ty tư vấn cho tôi một việc như sau: Tôi vào trường CĐ từ năm 2005 và đã được biên chế và được đóng bảo hiểm. Đến năm 2016 BGH Nhà trường bắt tôi đi học lớp Kỹ thuật chế biến món ăn Á; và lớp Kỹ thuật chế biến món ăn Âu. Đến tháng 5.2017 tôi bị ốm và phải xin nghỉ không lương- thời gian này Nhà trường không giải quyết chế độ bảo hiểm cho tôi. Đến tháng 9.2017 tôi làm đơn xin thôi việc và đến 1.10.2017 tôi đã có quyết định thôi việc của Nhà trường. Tuy nhiên, đến nay ngày 21.10.2017. Nhà trường chưa trả sổ BHXH cho tôi và yêu cầu tôi phải đền bù kinh phí đi học (tuy nhiên khi đi học tôi và phía nhà trường không có một văn bản ký kết gì về việc sẽ đền bù kinh phí đi học vì đi học xa nhà lại tốn tiền, BGH Nhà trường bắt tôi học chuyên ngành nấu ăn mặc dù tôi đã có bằng thạc sỹ về QTKD). Vậy tôi xin hỏi Quý Văn phòng luật sư việc Nhà trường cho tôi nghỉ không lương nhưng tôi tự đóng BHXH như vậy là đúng hay sai? Nhà trường chưa trả sổ BHXH cho tôi và yêu cầu tôi phải đền bù kinh phí đi học như trên là đúng hay sai? Nếu sai tôi có quyền được làm gì để yêu cầu nhà trường trả sổ BHXH cho người Lao động. Tôi xin trân trọng cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn: Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi này chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc tự mình đóng bảo hiểm xã hội

 

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 85 và Khoản 1 Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người lao động đóng BHXH trên mức lương hàng tháng của mình và người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động trên quỹ tiền lương của người lao đó.

 

Khoản 3 Điều 85 Luật BHXH 2014 cũng có quy định:

 

"3. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản".

 

Điều luật này quy định người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Trong thời gian nghỉ này người lao động xẽ không được hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc theo chế độ thai sản thì vẫn được hưởng.

 

Do đó, trong thời gian chị nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày trở lên thì chị không được hưởng chế độ bảo hiểm xa hội và bảo hiểm xã hội là bảo hiểm bắt buộc do đó chị không thể tự mình đóng bảo hiểm tại cơ quan bảo hiểm xã hội được. 

 

Thứ hai, về việc nhà trường không trả lại sổ BHXH và yêu cầu đền bù kinh phí học tập

 

Theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

 

"Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động"

 

Như vậy, theo khoản 3 điều này thì người lao động có trách nhệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH cho người lao động, do đó khi chị xin nghỉ việc thì nhà trường có nghĩa vụ trả lại sổ BHXH cho chị.

 

Việc đền bù kinh phí đi học, theo quy định tại điều 35 Luật Viên chức thì khi Viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập cử đi đào tạo nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ. Như vậy nếu trường hợp nếu bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết thì bạn sẽ phải đền bù chi phí đào tạo. Bạn chỉ không phải bồi thường chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 15/2012 của Bộ nội vụ, bao gồm các trường hợp sau:

 

"a) Viên chức không hoàn thành khóa học do ốm đau phải điều trị, có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;

 

b) Viên chức chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết phải thuyên chuyển công tác được cơ quan có thẩm quyền đồng ý;

 

c) Đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với viên chức khi đơn vị buộc phải thu hẹp quy mô, không còn vị trí việc làm hoặc chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền."

 

Thứ ba, về việc yêu cầu nhà trường trả lại sổ BHXH

 

Việc nhà trường giữ sổ BHXH mà không trả cho người lao động là vi phạm quy định của pháp luật. Trong trường hợp nhà trường cố tình không trả lại sổ BHXH cho chị thì bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi đến Công đoàn hoặc thanh tra lao động Sở lao động – thương binh và xã hội hoặc Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội để cơ quan này giải quyết buộc nhà trường thực hiện chốt và trả lại sổ BHXH cho chị. Ngoài ra, bạn cũng có thể trực tiếp khởi kiện ra Tòa án quận/huyện nơi trường hoạt động.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Vy Diễm - Luật Minh Gia 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo