Hoàng Thị Nhàn

Người lao động bị tan nạn lao động trong thời gian thử việc?

Tai nạn lao động là vấn đề mà người lao động và người sử dụng lao động không mong muốn xảy ra trên thực tế. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà các vụ việc về tai nạn lao động của vẫn xảy ra nhiều trên thực tế. Vậy, nếu người lao động xảy ra tai nạn lao động thì được giải quyết như thế nào?

1. Nội dung tư vấn về chế độ tai nạn lao động của người lao động

Thứ nhất, trách nhiệm của người sử dụng lao động

- Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

 - Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp 

- Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

- Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp 

- Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động 

- Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;

- Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Thứ hai, chế độ bảo hiểm tai nạn lao động 

Về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động của người lao động khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

+ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

+ Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

- Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;

-  Người lao động không thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;

+  Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

+  Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

Về các chế độ người lao động có thể được hưởng 

- Trợ cấp một lần  hoặc trợ cấp hàng tháng ( dựa trên mức suy giảm khản năng lao động)

- Trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động

- Trợ cấp phục vụ

- Hỗ trợ tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình

- Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật

- Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc

- Hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Về hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động

- Sổ bảo hiểm xã hội.

- Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú.

- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.

- Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Luật sư Minh Gia xin cung cấp dịch vụ tư vấn đối với các trường hợp tai nạn lao động cụ thể

Nếu bạn là người lao động, là người thân của người lao động bị tai nạn lao động hay người sử dụng lao động đang gặp trường hợp người lao động đang bị tai nạn lao động mà chưa biết xử lý như thế nào và được hưởng những quyền lợi gì thì bạn hãy liên hệ với luật sư, luật gia của công ty chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn trong việc gaiả quyết các vấn đề liên quan đến tai nạn lao động. 

Bạn có thể liên hệ với chúng tôi bằng các cách thức sau: 

Gọi điện thoại tới số tổng đài 1900.6169

- Gửi tới địa chị mail:  luatsu@luatminhgia.vn

- Tư vấn trực tiếp tại văn phòng: Số 218 đường Hoàng Ngân (Dãy sau), Trung Hòa, Cầu Giấy, TP Hà Nội 

Chúng tôi rất hân hạnh được đồng hành cũng bạn giải quyết các vấn đề liên quan đến tai nạn lao đông. 

---------------------------------------------------------------------------------

Dưới đây là bài viết của chúng tôi liên quan đến các vấn đề tai nạn lao động. Bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi dể hiểu rõ hơn các quy định pháp luật về tai nạn lao động.  

Nội dung tư vấn: Kính gửi: Công ty Luật Minh GiaXin Quý luật sư vui lòng cho em hỏi như sau:

1/ Công nhân làm việc bán thời gian cho công ty dịch vụ, mỗi tháng các bạn sinh viên chỉ làm được 8 ngày->10 ngày nhưng liên tục nhiều tháng. Thep hợp đồng thời vụ như vậy có phải là hợp đồng bắt buộc đóng BHXH cho người lao động hay không? Vì luật BHXH năm 2018 này chưa rõ nên công ty rất phân vân.

2/Nếu trong ngày nhận làm dịch vụ, bạn đó bị tai nạn lao động (xảy ra tại công ty hoặc trên đường công tác), phía công ty sẽ bồi thường cho bạn như thế nào ?

3/Đối với công ty sản xuất: trong quá trình xử lý máy móc, công nhân bị tai nạn vào các đầu ngón tay, có thể tháo khớp 01 ngón. Tuy nhiên công nhân này  làm việc được 20 ngày (hợp đồng thử việc 02 tháng), công ty có mua bảo hiểm tai nạn lao động (Công ty bảo hiểm ) khi bạn mới vào làm, còn thẻ BHYT là bạn đã mua tự nguyện tại gia đình.Đối với trường hợp này, công ty sẽ trợ cấp viện phí như thế nào cho công nhân này? và bảo hiểm tai nạn sẽ đền bù ra sao cho công ty?

4/Vì tình huống xảy ra trên, công ty sẽ áp dụng khi tuyển dụng người lao động vào làm việc tại công ty trong thời gian thử việc chưa phải đóng bảo hiểm bắt buộc, người lao động phải tự mua bảo hiểm y tế tự nguyện để phòng tránh khi có sự cố tai nạn, xuất trình thẻ y tế để giảm thiểu tiền viện phí. Sau thời gian thử việc, nếu được công ty ký hợp đồng chính thức, thẻ bảo hiểm y tế sẽ được trình tại địa phương kèm hợp đồng lao động của công ty để cơ quan bảo hiểm rà soát, chi trả lại khoản đóng bảo hiểm y tế trùng lắp vì mỗi cá nhân chỉ được tham gia bảo hiểm y tế 01 nơi. Cách làm này được hay không?Nếu người sử dụng lao động vừa  đóng bảo hiểm y tế, vừa mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động. Khi xảy ra tai nạn thì bảo hiểm y tế  và  công ty bảo hiểm tai nạn thanh toán thế nào cho người lao động?Trên đây là vài câu hỏi .Kính mong Quý Luật sư sớm giải đáp giúp.Xin chân thành cám ơn .Trân trọng kính chào.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau.

Thứ nhất, về hợp đồng thời vụ có phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không?

Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về người lao động là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;”

Theo như thông tin bạn cung cấp, sinh viên chỉ làm việc 8-10 ngày trong 1 tháng thì bạn có thể thỏa thuận ký hợp đồng lao động mùa vụ với thời hạn 10 ngày. Sau đó, tới khi có nhu cầu sử dụng lại tiếp tục ký hợp đồng lao động mua vụ phù hợp với số ngày mà bạn cho họ làm. Trường hợp này không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.

Tuy nhiên, nếu công việc này mang tính chất thường xuyên nhưng do thỏa thuận của hai bên người lao động chỉ làmviệc 8- 10 buổi, những ngày còn lại xin nghỉ không lương trong một tháng và các bạn ký hợp đồng lao động trên 1 tháng cho họ thì thuộc đối tượng phải khai báo bảo hiểm. Nhưng nếu sau khai báo đóng BHXH mà trong tháng người lao động nghỉ từ 14 ngày làm việc không hưởng lương thì không đóng BHXH tháng đó.

Thứ hai, người lao động bị tai nạn lao động tại công ty hoặc đi công tác có phải bồi thường không?

Theo như chúng tôi phân tích ở trên, do dữ liệu bạn cung cấp không đầy đủ nên tạm thời chúng tôi xem hợp đồng giữa công ty và các bạn sinh viên là hợp đồng theo một công việc nhất định để giải quyết.

Theo quy định tại điều 45 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động:

“1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;...

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;”

Nếu bạn nhân viên bị tai nạn lao động xảy ra tại công ty hoặc trên đường công tác thì công ty phải xem xét bạn đó có đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại điều 45 ở trên không, và suy giảm bao nhiêu khả năng lao động. Nếu đáp ứng đủ các điều kiện ở trên thì bạn đó có thể được hưởng chế độ tai nạn lao động và công ty có thể phải bồi thường theo quy định tại điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015.

"1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trongthời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;"

Thứ ba, công nhân bị tai nạn lao động trong thời gian thử việc?

Theo quy định tại điều 39 Luật an toàn vệ sinh lao động về trách nhiệm của người sử dụng lao động:

3. Trường hợp người sử dụng lao động đã mua bảo hiểm tai nạn cho người bị tai nạn lao động tại các đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, thì người bị tai nạn lao động được hưởng các khoản chi trả bồi thường, trợ cấp theo hợp đồng đã ký với đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. Nếu số tiền mà đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm trả cho người bị tai nạn lao động thấp hơn mức quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 38 của Luật này, thì người sử dụng lao động phải trả phần còn thiếu để tổng số tiền người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân của người bị tai nạn lao động nhận được ít nhất bằng mức bồi thường, trợ cấp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 38 của Luật này.”

Trong trường hợp này người lao động bị tai nạn lao động thì thì công ty sẽ phải chi trả bồi thường, trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động căn cứ theo định tại khoản 4, 5 Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015. Do công ty mua bảo hiểm tai nạn cho NLĐ nên đơn vị kinh doanh bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm chi trả chi phí bồi thường cho người lao động theo mức chi trả theo hợp đồng bảo hiểm đã ký. Nếu số tiền do dịch vụ bảo hiểm chi trả nhỏ hơn số tiền công ty phải bồi thường, trợ cấp theo quy định thì công ty phải chịu trách nhiệm thanh toán phần còn lại cho NLĐ.

Đối với hợp đồng thử việc thì nội dung của hợp đồng thử việc không bao gồm nội dung người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nên có thể người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và có thể không được hưởng bảo hiểm xã hội. Mặt khác, theo quy định tại công văn 2447/BLĐTBXH: “3. Đối với người lao động có thời gian thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà hợp đồng lao động đó thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì người sử dụng lao động và người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho cả thời gian thử việc..."

Trên cơ sở đó, nếu người lao động có thời gian thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà hợp đồng này thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại khoản 1 điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người sử dụng lao động và người lao động sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong cả thời gian thử việc.

Như vậy, công ty phải xem xét trường hợp hợp đồng lao động kí với người lao động có thời gian thử việc thì hợp đồng này có thuộc diện phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không. 

Trong trường hợp nếu công ty đóng bảo hiểm y tế cho người lao động vào quỹ bảo hiểm y tế thì người lao động sẽ được hưởng quyền lợi tại điều 22 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014. Đối với bảo hiểm tai nạn lao động thì công ty bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả theo nội dung hợp đồng đã ký.

Thứ tư, về việc NLĐ vừa đóng BHYT, công ty vừa tham gia BH tai nạn lao động cho NLĐ thì khi xảy ra tai nạn lao động thì được thanh toán như thế nào?

Vấn đề BHYT bắt buộc tại công ty và vấn đề mua bảo hiểm tai nạn cho NLĐ là hoàn toàn khác nhau. Do vậy, đối với BHYT mà NLĐ tham gia thì được thanh toán theo đúng quy định pháp luật. Bảo hiểm tai nạn lao động được thanh toán theo hợp đồng bảo hiểm đã ký kết.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Thảo - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo