Phạm Liên

Nghĩa vụ trả lương cho người lao động khi áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải

Công ty tính lương từ 27 tháng này đến 26 tháng sau. Ngày 24/8 tôi làm việc nửa ngày thì nghe tin con ốm nên đã xin phép quản lý nghỉ. Ngày 26/8 tôi xin nghỉ thêm hai ngày. Nhưng sau đó vì con ốm, ngoại nhập viện và tôi không có cách nào liên lạc được với công ty. Khi ngoại ra viện, tôi quay lại thì công ty thông báo tôi nghỉ ngang nên đã bị sa thải và không được trả lương.

Câu hỏi: Công ty tôi tính lương bắt đầu từ 27 tây tháng này đến 26 tây tháng sau. Hôm 24/8/2019 tôi làm việc nữa ngày thì ngoại tôi điện thoại báo con tôi sốt rất cao nên tôi vội về và có điện thoại báo cho chị phiên dịch (tôi làm việc ở công ty may Trung Quốc,nên có gì điều trao đổi với phiên dịch). Đến sáng 26/8/2019 tôi điện cho chị phiên dịch để xin nghỉ thêm 2 ngày. Nhưng rồi vì con tôi sốt hay quấy vì thế vợ chồng tôi bất hòa rồi chồng tôi làm bể màn hình điện thoại của tôi sau đó còn lấy xe và điện thoại về luôn nhà anh ấy. Điều đó khiến tôi không còn cách nào để có thể liên lạc với cty(nhà tôi cách cty 20km). Chưa dứt thì ngoại tôi nhập viện nên tôi lo cho ngoại ở viện (nhà tôi đơn chiếc tôi sống với ngoại và con tôi). Vì thế khi ngoại xuất viện tôi vào cty thì cty nói chủ quản báo lên văn phòng tôi nghỉ ngang vì thế tôi bị sa thải và sẽ không nhận được 1 ngàn tiền lương nào hết. Tôi muốn hỏi rằng tháng cũ tôi đã làm tròn tháng và chốt lương vào ngày 26/08/2019 thì tôi k vi phạm hợp đồng trong tháng đó,vậy tôi có thể nhận được lương tháng cũ của tôi không? Vì gia đình tôi thuộc dạng hộ nghèo nên rất khó khăn và cần tiền đó để xoay sở trong lúc tôi tìm việc mới. Mong quý luật sư trả lời để tôi được rõ.

 

TRẢ LỜI: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất: Về vấn đề công ty áp dụng hình thức kỉ luật sa thải đối với bạn

 

 Điều 31 nghị định 05/2015 hướng dẫn thi hành một số nội dung BLLĐ 2012 có quy định:

 

  “ Điều 31. Kỷ luật sa thải đối với người lao động tự ý bỏ việc

 

1. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc hoặc 20 ngày làm việc cộng đồn trong phạm vi 365 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

 

2. Người lao động nghỉ việc có lý do chính đáng trong các trường hợp sau:

 

b) Bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;

 

Theo thông tin bạn cung cấp, trưa ngày 24/8 do con ốm bạn có xin phép chị phiên dịch nghỉ (người trực tiếp quản lí bạn), sau đó,ngày 26/8/2019 bạn có gọi điện cho chị phiên dịch xin nghỉ thêm hai ngày. Nên tính đến hết ngày 30/8 là bạn nghỉ có phép. Như vậy tính từ ngày 1/9 đến ngày bạn quay lại công ty nếu bạn đã nghỉ quá 5 ngày làm việc thì công ty có thể áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với bạn theo quy định trên. Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp, việc bạn nghỉ là do con ốm, ngoại nhập viện. Do đó, nếu bạn chứng minh lí do bạn tự ý nghỉ việc là do con ốm và có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật thì được coi là bạn nghỉ việc có lí do chính đáng. Khi đó, quyết định áp dụng hình thức xử lý kỉ luật sa thải của công ty là không hợp pháp. Bạn có thể:

 

- Khiếu nại tới người sử dụng lao động, đề nghị hủy quyết định sa thải.

 

- Nếu cách trên vẫn không giải quyết được thì khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

 

Việc làm này nhằm mục đích thông báo cho cơ quan quản lý biết về vụ việc, từ đó có tác động nhất định đến người sử dụng lao động.

 

- Yêu cầu ra Hoà giải viên lao động giải quyết

 

- Khởi kiện ra Tòa án cấp huyện nơi có trụ sở của người sử dụng lao động theo điểm a khoản 1 Điều 201 BLLĐ 2012:

 

1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

 

a.Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;”

 

Trường hợp nếu bạn không chứng minh được việc bạn tự ý nghỉ việc là do con ốm hoặc không có giấy xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh, thì việc tự ý nghỉ việc của bạn là không có lí do chính đáng. Do đó, quyết định áp dụng hình thức xử lí kỉ luật sa thải của công ty là hợp pháp.

 

Thứ hai: Về vấn đề trả lương khi bạn bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải:

 

Theo thông tin bạn cung cấp ngày 24/8/2019 bạn làm việc nửa ngày thì ngoại  điện thoại báo con sốt rất cao nên bạn vội về và có điện thoại báo cho chị phiên dịch (người trực tiếp quản lý bạn). Đến sáng 26/8/2019 bạn điện cho chị phiên dịch để xin nghỉ thêm 2 ngày. Do đó, tính từ buổi chiều ngày 24/8/2014 bạn nghỉ có phép không lương theo quy định tại khoản 3 Điều 116 BLLĐ 2012:

 

Điều 116. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

 

1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây:

 

a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

 

b) Con kết hôn: nghỉ 01 ngày;

 

c) Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: nghỉ 03 ngày.

 

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

 

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.”

 

Trường hợp của bạn, bạn nghỉ vì con ốm nên không thuộc vào các trường hợp quy định ở khoản 1, khoản 2 Điều 116.Do đó,bạn thoả thuận với người trực tiếp quản lý mình xin nghỉ từ trưa ngày 24/8 đến hết ngày 30/8, nên tính từ trưa ngày 24/8 bạn nghỉ có phép nhưng không được hưởng lương.

 

Bạn bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải, hợp đồng lao động giữa bạn và công ty chấm dứt. Khoản 2 Điều 47 Bộ luật Lao động năm 2012 có quy định:

 

Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

 

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.”

 

Như vậy, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi mỗi bên. Vậy nên, khoảng thời gian người lao động làm việc tại công ty thì bên công ty bạn vẫn phải trả lương cho người lao động đầy đủ.Do đó, khi công ty sa thải bạn, công ty vẫn phải thanh toán đầy đủ cho bạn số tiền lương trong những ngày bạn làm việc là từ ngày 27/7 đến trưa ngày 24/8,còn tính từ nửa ngày 24/8 đến ngày 30/8 dù bạn xin nghỉ có phép nhưng là nghỉ có phép không lương, do đó bạn sẽ không được hưởng lương trong những ngày này.

 

Nếu công ty không trả lương cho bạn từ ngày 27/7 đến trưa ngày 24/8, bạn có thể thực hiện các cách thức sau để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình:

 

- Khiếu nại tới người sử dụng lao động, đề nghị người sử dụng thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền lương cho bạn.

 

- Nếu cách trên vẫn không giải quyết được thì khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

 

Việc làm này nhằm mục đích thông báo cho cơ quan quản lý biết về vụ việc, từ đó có tác động nhất định đến người sử dụng lao động.

 

- Yêu cầu ra Hoà giải viên lao động giải quyết

 

- Nếu hòa giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hòa giải viên không tiến hành hòa giải trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải thì bạn có thể làm đơn khởi kiện gửi lên Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty bạn đặt trụ sở chính để yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật theo khoản 4 Điều 201 BLLĐ 2012.

 

Trân trọng!

Phòng Luật sư tư vấn Lao động - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo